Mối tương quan trong đời sống cộng đoàn

Mối tương quan trong đời sống cộng đoàn

Thánh lễ sắp bắt đầu, lời Kinh Truyền Tin đã được cất lên, chỉ vài phút nữa tôi sẽ đệm bài ca nhập lễ cho cả cộng đoàn hát, nhưng nhìn bản nhạc trong đầu tôi cứ mông lung và bận tâm về những dòng nhạc và âm sắc của bài hát. Giai điệu của bài làm tôi liên tưởng đến đời sống chung của cộng đoàn tôi.

Bản nhạc được tác giả viết lên như một làn sóng, lúc trầm lúc bổng, đời sống chung cũng vậy, có lúc cảm thấy rất êm đềm, nhẹ nhàng, có lúc căng thẳng tưởng chừng như sắp gục ngã, có lúc trầm đến nỗi có người cảm thấy nhàm chán, có lúc quá bận rộn đến nỗi lo sợ và mất ngủ. Nốt nhạc thấp khiến tôi liên tưởng đến những người chị em hàng ngày trong công việc bếp núc, công việc làm vườn, làm bánh…… những người luôn đứng phía trong ở công việc hậu cần.

Những nốt nhạc cao nhằm giúp người hát vươn cao và làm nổi bật độ sáng của giọng hát khiến tôi liên tưởng đến các chị Bề trên, những người đứng mũi chịu sào trong Dòng, luôn phải lo lắng công việc và điều phối chị em sao cho hợp lý, bên cạnh đó cũng không ít các dấu lặng được tác giả đưa vào, để giúp ca viên có khoảng thời gian lấy hơi, hay chuẩn bị cho một âm sắc của ô nhịp sau, khiến tôi liên tưởng đến các bà tuổi cao. Có Bà chia sẻ rằng: “Nhiều  lúc thấy buồn vì mình không làm được gì cho cộng đoàn, có lúc thấy lo lắng khi mình già yếu bệnh tật”. Đời sống cộng đoàn là thế, nhiều thế hệ, nhiều quan điểm và suy nghĩ khác nhau, và quả thật cuộc đời mỗi người cũng được ví như một bản nhạc, bản nhạc không thể lúc nào cũng trầm hoặc khi nào cũng sáng, nhưng được cường điệu hóa để bài hát thêm phong phú và hấp dẫn hơn. Đời sống chung cũng được mỗi chị em viết lên mỗi ngày qua công việc hàng ngày, qua những chuyển động của cộng đoàn.

Đây cũng là một vấn đề nan giải mà bất cứ cộng đoàn dòng tu nào cũng dễ dàng nhận thấy, ngoài việc tuân giữ Hiến chương và Nội quy, hay giữ ba lời khấn, thì người tu cần phải có các mối tương giao, cần xây dựng và làm triển nở các mối tương giao đó với cộng đoàn và với nhau để sinh ích cho chính mình và cộng đoàn.

Quả thật, đời sống cộng đoàn được ví như một sự huyền nhiệm, một sự kỳ diệu mà chính bàn tay của Thiên Chúa đã làm, Ngài đã quy tụ, đã gọi và chọn từng người như ý Người:“ Người gọi những kẻ Người muốn để họ ở cùng Người” (Mc 3,13-19). Đời tu cũng thế, các chị em không được tùy ý lựa chọn người mình muốn sống, không chọn nơi mình sẽ đến phục vụ, nhưng dưới tác động của Chúa Thánh Thần chị em là những người xa lạ thì nay trở nên chị em trong một đại gia đình[1].

Cho dù ở bất cứ dòng tu nào thì vẫn tồn tại đâu đó những góc khuất trong đời sống chung, những viễn tưởng trong mơ dần phai mờ, thay vào đó là sự xuất hiện những thực trạng của nhiều cuộc chiến tranh lạnh, lòng ích kỷ, bản tính tự tôn, sự dửng dưng vô cảm với những người chị em mình không ưa, không hợp vẫn hiện diện.

Đời sống cộng đoàn càng không thể tránh được những va chạm, bởi lẽ mỗi người là một vũ trụ, mỗi chị em đều mang những nét riêng địa phương, những đức tính tốt đẹp đôi khi cũng xen lẫn những lầm lỗi, sự quảng đại và ích kỷ, lòng bao dung hay sự ghen tuông, ghanh tỵ vẫn theo bám trong mỗi con người chúng ta. Cũng chính vì thế, nhiều lúc nhiều khi đời sống cộng đoàn trở nên căng thẳng và ngột ngạt, đó cũng là những góc tối trong đời sống chung, bởi lẽ bản thân mỗi người đều mang những vết thương lòng, sự cô đơn, đau khổ và buồn sầu hay sự bất lực khi mình không được tôn trọng nhân vị, điều đó càng dễ dàng nhận thấy khi các mối tương quan trong đời sống cộng đoàn đổ vỡ, đời sống cầu nguyện gặp khó khăn, khô khan và dễ chán nản, công việc không hiệu quả, tinh thần phục vụ uể oải và chậm chạp hơn.

Thánh Lu-y-Gongaza, tu sĩ Dòng Tên đã viết trong nhật ký rằng: “Đau khổ lớn nhất của con đó là đời sống cộng đoàn”. Không vị Thánh nào mà không trải qua khó khăn, thử thách, nhưng các Ngài luôn vượt qua nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu và thánh hóa bản thân mỗi ngày.

Hiến Chương Dòng Mến Thánh Giá dạy rằng: “Chị em thông phần Thập giá Đức Ki tô khi vác đỡ gánh nặng cho nhau, nhẫn nhục chấp nhận sự căng thẳng do khác biệt về tính tình, tuổi tác và nếp suy nghĩ, quảng đại tha thứ và sẵn sàng đón nhận sự thứ tha” (ĐSCĐ, Đ.41-tr.40)

Vì thế, trong đời sống chung không thể chỉ dừng lại ở những mảng tối, bởi lẽ nhiều chứng nhân khiêm nhường, tận tụy và âm thầm giúp đỡ chị em cách này hay cách khác vẫn còn, cho dù không trực tiếp nhưng gián tiếp qua đời sống cầu nguyện.

Cộng đoàn sẽ trở nên mái nhà gắn bó của từng chị em, nếu mỗi người cố gắng xây dựng và góp công duy trì bảo tồn những di sản tốt đẹp bằng lòng bao dung qua việc  đón nhận những vấp ngã của chị em, sống tình bác ái theo tinh thần của Đức Kitô thì cộng đoàn thực sự sẽ là Thiên đàng ngay trần gian này. Và khi mỗi một cá nhân mang trong mình  “cảm thức thuộc về cộng đoàn” thì khi ấy mọi khó khăn cản trở của chị em sẽ được gỡ bỏ, và mọi hiểu lầm dần sẽ được lấp đầy bằng tình người qua sự tôn trọng nhân vị mỗi chị em.

Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su đã nói “Bây giờ em biết rằng bác ái chân thật hệ tại gánh lấy tất cả những khuyết điểm của người thân cận – không ngạc nhiên trước sự yếu đuối của họ, nhưng vui sướng về những nhân đức nhỏ nhất của họ”.

Sự đón nhận nhau trong đời sống chung quả thực rất khó khăn, nói thì dễ nhưng thực hành thì không hề đơn giản, vì thế mỗi ngày sống, việc thực hành các giờ đạo đức và các giờ sinh hoạt chung là cơ hội thuận tiện để chị em được nối kết với nhau và được mời gọi hướng về Chúa Giê-su Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của mỗi chị em. Thực, chỉ có cầu nguyện và kết hiệp với ơn Chúa thì đời sống cộng đoàn mới không là gánh nặng, nhất là khi bản thân rơi vào tình trạng khép kín, sợ hãi trước các mối tương quan do không muốn đụng chạm với ai, dần dần bản thân sẽ dễ tìm đến sự bù trừ khác ngoài đời sống tu và đó cũng là nguy cơ làm cho các mối tương quan trong cộng đoàn bị bế tắc và đổ vỡ.

Xin tình yêu của Đức Giêsu luôn bừng cháy và hun đúc tâm hồn mỗi chị em chúng con, để chúng con cũng biết thực hành điều Người  đã dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

Học viện
Mến Thánh Giá Hà Nội

 

[1] HC điều 45&2

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)