Nên thánh trong ơn gọi Mến Thánh Giá

Nên thánh trong ơn gọi Mến Thánh Giá

“Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1Tx4,3)

Nên thánh không chỉ là khao khát ước muốn của con người, nhưng từ trong sâu thẳm đó là ý muốn của Thiên Chúa. Vì Chúa đã chọn mỗi người chúng ta để được “nên thánh và trọn lành trước mặt Ngài trong tình yêu” ( Ep1,4). Ngài muốn tất cả mọi người dù ở bất cứ địa vị nào, thuộc bất kỳ tầng lớp xã hội nào, dù sang hay hèn, giàu hay nghèo, già hay trẻ…, tất cả đều được Ngài đích thân mời gọi: “Hãy nên thánh, vì Ta là Thánh” (Lv 11,44; 1Pr1,16). Và như lời thánh Phao-lô tông đồ dân ngoại đã nói: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1Tx 4,3). Vì thế tất cả chúng ta đều có thể và phải noi theo gương thánh thiện hoàn hảo nhất mà Thiên Chúa đã đặt trước mặt chúng ta. Đó là Đức Kitô, Chúa chúng ta. Mỗi chúng ta, ai cũng có thể nhờ ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa mà đạt đến tột đỉnh của sự hoàn thiện như chính Chúa Giê-su đã mời gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 6,48).

Trong tâm tình hiệp thông với Đại Gia đình Tổng Giáo phận Hà Nội và hưởng ứng lời mời gọi của Đức Tổng Giám mục Giu-se Vũ Văn Thiên trong năm Mục vụ 2020, chúng ta được mời gọi dành những khoảnh khắc quý giá mà Thiên Chúa ban để cùng nhau suy tư về ơn gọi nên thánh trong chính đời sống của mỗi người. Là những nữ tu Mến Thánh Giá, chúng ta có suy nghĩ gì về tiếng gọi “nên thánh trong ơn gọi Mến Thánh Giá”?. Thiết tưởng đây là câu hỏi mà ít nhiều mỗi chị em chúng ta, những người nữ tu Mến Thánh giá đều nghĩ đến và ấp ủ những suy tư khác nhau. Đây là cơ hội, là dịp để mỗi chị em chúng ta cùng suy nghĩ về ơn gọi nên thánh của mỗi người trong ơn gọi Mến Thánh Giá. Mỗi chúng ta, ai cũng đều có con đường nên thánh cho riêng mình, mỗi người có một con đường, một phương pháp không ai giống ai. Dù có biết được phương pháp của một ai đó, của một vị thánh nào đó là điều tốt để chúng ta học hỏi, nhưng điều quan trọng là con đường nào, phương pháp nào mà Chúa muốn chúng ta theo. Thì đó mới là con đường, là phương pháp thích hợp và sinh hiệu quả tốt nhất cho chúng ta và là của chúng ta. Đối với những nữ tu Mến Thánh Giá, dù con đường, phương pháp và cách thức có khác nhau nhưng chúng ta cùng chung một lý tưởng là “Bước theo sát Đức Ki-tô trên con đường thập giá, sống trọn vẹn ơn gọi của mình trong linh đạo Mến Thánh Giá bằng việc hướng cái nhìn và trái tim về “Đức Giêsu Kitô Chịu –  Đóng – Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta”. Mỗi chị em hãy dành chút thời gian để tạ ơn Chúa và cùng nhau suy nghĩ về ơn gọi nên thánh trong ơn gọi Mến Thánh Giá qua 3 chiều kích: Chiêm niệm – Khổ chế – Tông đồ.

1. Ơn gọi nên thánh trong đời sống Chiêm niệm

Cầu nguyện là nghệ thuật cao cả nhất, là điều thiết yếu, là cốt lõi và nền tảng cho đời sống của mỗi chúng ta, giúp chúng ta có thể nhiệt thành theo Chúa vì đó là phương tiện duy nhất chúng ta có để tiếp xúc một cách có ý thức với Thiên Chúa. Không cầu nguyện chúng ta không thể trưởng thành về mặt tâm linh, không thể trở thành người bạn thân thiết với Chúa. Chính vì thế trong Hiến chương điều 55 có viết: “Đời sống cầu nguyện giữ vị trí cao nhất trong hiến chương cũng như trong đời sống của mỗi chị em Mến Thánh Giá vì nhiệm vụ đầu tiên và chính yếu của tu sĩ là chiêm niệm các mầu nhiệm của Thiên Chúa và kết hiệp liên lỉ với Người bằng kinh nguyện. Và như lời Chúa Giê-su đã dạy: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1). Đối với mỗi nữ tu Mến Thánh Giá, lời cầu nguyện đẹp nhất đó chính là đời sống chiêm niệm của chúng ta với lời kinh hướng về Đức Ki-tô Chịu – Đóng – Đinh: “Lạy Chúa Giê-su Ki-tô Chịu – Đóng – Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa, vì Chúa đã dùng thánh giá mà cứu độ trần gian”. Mỗi khi chúng ta cầu nguyện với Chúa bằng lời kinh này, để liên lỉ hướng lòng về mầu nhiệm Thánh giá cứu độ của Đức Ki-tô để cầu nguyện cho bản thân, cho gia đình, cho Hội dòng, cho lương dân được ơn biết Chúa, cho các tín hữu sống xa lìa Chúa được ơn hoán cải, cho các nhu cầu của Giáo hội phổ quát và Giáo hội địa phương và cho toàn thể nhân loại. Nhất là cho tất cả những ai mà chúng ta có bổn phận và trách nhiệm phải cầu nguyện, những ai đang cậy nhờ vào lời cầu nguyện của chúng ta và hết mọi người mà chúng ta đã hứa cầu nguyện cho họ. Chỉ một lời kinh rất nhỏ bé, đơn sơ nhưng khi chúng ta cầu nguyện với tất cả ý thức, với tất cả tâm hồn và với lòng kiên trì, liên lỉ tha thiết thì thiết nghĩ đó là con đường giúp chúng ta nên thánh. Chúng ta cũng nhớ lại lời của Đức Cha Pierre Lambert nhắn nhủ các thừa sai của mình: “Trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Âm, anh em hãy dùng lời cầu nguyện làm cho mưa móc từ trời mưa xuống trên cánh đồng”.  Là nữ tu Mến Thánh Giá noi gương ngài trước khi làm việc bất cứ việc gì chúng ta hãy cầu nguyện. Nhờ đời sống cầu nguyện liên lỉ giúp chúng ta gần gũi Chúa, nên giống Chúa hơn và là con đường giúp ta nên thánh mỗi ngày.

2. Ơn gọi nên thánh trong đời sống Khổ chế

Chúng ta đang sống trong thời đại có khuynh hướng thích tìm sự an nhàn, dễ dãi. Giữa một thế giới của khoái lạc, hưởng thụ như hiện nay, con người dễ uốn mình theo những đòi hỏi hiển nhiên của cuộc sống. Tuy nhiên, trong mọi thời đại và trong mọi hình thức sống, việc thực hành khổ chế luôn là điều cần thiết và có giá trị cho sự thăng tiến, phát triển của con người cả về mặt tinh thần lẫn thể xác, phương diện nhân bản lẫn tu đức, đời sống tự nhiên lẫn siêu nhiên. Vậy làm thế nào để nên thánh trong đời sống khổ chế theo ơn gọi Mến Thánh Giá? Chúng ta cùng trở về với những điều trong Hiến chương của Hội dòng, thiết nghĩ đây là cách giúp chúng ta nên thánh trong ơn gọi Mến Thánh Giá. Điều 65 Hiến chương nhấn mạnh “Thập giá biểu lộ tình yêu lớn nhất của Đức Kitô đối với Chúa Cha và nhân loại. Là nữ tu Mến Thánh giá, chúng ta sẵn lòng đón nhận thập giá mỗi ngày để làm bằng chứng tình yêu lớn nhất dành cho Đức Ki-ô Chịu – Đóng – Đinh và anh chị em đồng loại”.

Điều 66 và 67 mời gọi: “Chúng ta những người nữ tu Mến Thánh Giá đã quyết định dâng hiến trọn vẹn Tình yêu cho Đấng Chịu – Đóng – Đinh thì chúng ta hãy sống tinh thần khổ chế trong sự khắc khổ vui tươi và quân bình, trong sự từ bỏ mình. Tinh thần ấy được biểu hiện bằng những thái độ sống căn bản trên các bình diện khác nhau: Trên bình diện là một Ki-tô hữu chúng ta phải kiên trì trung thành chu toàn bổn phận, chấp nhận những khó khăn trong các công việc và tương quan xã hội, nhẫn nại chịu đựng những thử thách của cuộc sống thường gây bất ổn và lo âu, sẵn lòng chấp nhận bệnh tật, thiếu thốn và chịu bách hại vì công lý, với ý thức chia sẻ sự đau khổ của Đức Ki-tô Cứu Thế. Trên bình diện tu trì chúng ta chấp nhận thập giá của chính đời sống thánh hiến bằng cách cố gắng chu toàn các đòi hỏi của ba lời khấn Khiết Tịnh, Nghèo Khó, Vâng Phục và đời sống cầu nguyện, đời sống cộng đoàn, đời sống tông đồ. Trên bình diện linh đạo Mến Thánh Giá khi ốm đau bệnh tật, chúng ta noi gương Đấng Sáng Lập sẵn lòng vâng theo thánh ý Thiên Chúa và luôn ca ngợi tạ ơn Người”. Khi chúng ta sống và thực hành được những điều này trong sự tự nguyện, hy sinh, âm thầm với một tình yêu phi thường thì hẳn đây là con đường giúp chúng ta nên thánh mỗi ngày trong ơn gọi Mến Thánh Giá.

3. Ơn gọi nên thánh trong đời sống Tông đồ

Ngày hôm nay, khi hoạt động tông đồ chúng ta thường hay để ý đến những lời khen chê, những tiếng hoan hô, vỗ tay, những số lượng và thành tích… nhưng chúng ta lại ít khi để ý đến bài học vô cùng quý giá mà Chúa Giê-su đã dạy, đó là trở nên “hạt lúa mì mục nát”. Chúng ta nhớ lại lời Đấng Sáng Lập đã dạy: “Các con là những nữ tu thân mến của Cha, chắc hẳn các con nhận thấy được rằng, ơn gọi của mình thật cao cả và các con đã chết đi đối với thế gian nghĩa là đối với giác quan, bản tính tự nhiên và lý trí người đời, để từ nay chỉ còn sống bằng giáo huấn, gương sáng và sự sống của Chúa Giê-su Ki-tô”. Đức cha Lambert có ý niệm cao về đời sống của người tông đồ, Ngài quan niệm: “Người tông đồ là cánh tay hữu hình và là trung gian của Chúa Giê-su Ki-tô” ( Ts 31) . Người nữ tu Mến Thánh Giá phải mang trái tim thương cảm và trở thành cánh tay hữu hình của Đức Ki-tô Chịu – Đóng – Đinh để chia sẻ và thoa dịu nỗi khổ đau của đồng bào, đặc biệt là giới nữ và giới trẻ, dâng lên Thiên Chúa lễ phẩm đau thương ấy kết hợp với hy tế Thập giá của Đấng cứu chuộc loài người. Theo Đức cha Lambert người tông đồ phải kết hợp hy sinh với cầu nguyện thế nào cho “ thân xác phục tùng tinh thần nhờ khổ chế và tinh thần phục tùng Thiên Chúa nhờ cầu nguyện. Đời sống người tông đồ là một cuộc chết đi liên lỉ”. Và khi hoạt động tông đồ chúng ta cần ý thức như lời thánh Phao-lô đã nói: “Không phải tôi sống, nhưng là chính Đức Kitô sống và hoạt động trong tôi” (x.Gl2,20). Sống được điều này, thiết nghĩ đó chẳng phải là con đường nên thánh cho mỗi chị em chúng ta là những người đang bước theo Chúa trong linh đạo Mến Thánh Giá. Chúng ta cùng tha thiết nài xin Chúa luôn đồng hành và dõi bước theo chúng ta trên mọi nẻo đường của đời sống tông đồ để chúng ta luôn xác tín mạnh mẽ rằng: “Đi trong sứ vụ tin có Chúa”.

Lời kết

Tình yêu dành cho Đức Giê-su Ki-tô Chịu – Đóng – Đinh là linh hồn và động lực của đời sống Chiêm niệm, Khổ chế và Tông đồ. Vì thế chúng ta những người nữ tu Mến Thánh Giá hãy liên lỉ chiêm ngắm Đức Giê-su Ki-tô Chịu – Đóng – Đinh để kết hợp với Thiên Chúa, nhờ ân sủng nhận được qua việc chiêm ngắm ấy chúng ta sẽ học được cách làm chủ hoàn toàn mọi đam mê của mình để từ nay chỉ làm vui lòng Đức Giê-su Chịu – Đóng – Đinh và chỉ tìm kiếm những điều có thể làm cho mình yêu mến Chúa hơn. Đây hẳn là cách thực hành giúp chúng ta nên thánh trong ơn gọi Mến Thánh Giá. “Lạy Chúa Giê-su Ki-tô Chịu – Đóng – Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa vì Chúa đã dùng Thánh giá mà cứu độ trần gian”.

An-na Nguyễn Thu – Khấn trọn

 

 

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)