Hòa bình luôn là biểu tượng của sự bình yên, là niềm mơ ước của tất cả mọi người. Con người được sống trong môi trường hòa bình ngày hôm nay thì đó chính là niềm hạnh phúc. Hòa bình đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nó đem lại cho ta sự tĩnh lặng nội tâm, sự thư giãn, giảm bớt những suy nghĩ tiêu cực đang đè nặng trên ta, và nhờ đó mà mọi công việc làm của ta cũng sẽ hiệu quả hơn… Đồng thời, cách cư xử với mọi người cũng ôn hòa hơn, tế nhị hơn, tạo cho ta cảm giác tươi mới, tràn đầy sức sống, niềm vui và bình an. Tuy nhiên, quan niệm và sự hiểu biết về hòa bình theo giáo huấn của Giáo Hội và vai trò bảo vệ, xây dựng và giáo dục hòa bình nơi những Ki-tô hữu, đặc biệt nơi người nữ tu Mến Thánh Giá xem ra vẫn còn xa lạ với nhiều người. Chúng ta cùng bắt đầu đi từ một quan niệm cổ xưa về hòa bình.
Quan niệm cổ xưa về hòa bình
Nhà văn Nam Cao trong tập truyện ngắn Chí Phèo, đã đưa ra một nhận định về hòa bình như sau: “Đàn bà vốn chuộng hòa bình, họ muốn yên chuyện thì thôi, ngai ngạnh làm gì cho sinh sự” (Chí Phèo – Nam Cao). Như vậy với quan niệm của Nam Cao thì hòa bình có nghĩa là yên chuyện, không sinh sự, nhất là không để xảy ra cái chuyện gì làm xáo trộn trật tự bình thường của cuộc sống. Cách hiểu ấy, phản ánh một quan niệm đã có từ lâu đời. Thánh Tô-ma A-qui-nô nói rằng: “Nơi có hòa bình, mọi thụ tạo có thể đạt tới yên tĩnh trong trật tự tốt.” (Người trẻ xây dựng hòa bình – Giu-se Phạm Đình Ngọc, SJ). Nhưng chúng ta phải nói rằng nhận định về hòa bình là sự “yên tĩnh trong trật tự” còn mang nặng tính bề ngoài của một xã hội, của một tổ chức, hay của một cộng đoàn dòng tu… Cứ theo đó ta có thể nói rằng, một đất nước cai trị bằng một guồng máy hành chính độc tài tàn bạo, hay một cộng đoàn tu trì như chúng ta, mà điều hành bằng quyền bính, thiếu tình yêu, thiếu quan tâm, thì xem ra cũng có được sự yên tĩnh trong trật tự. Nhưng nơi ấy có thật sự hòa bình, trật tự và yên lành không? Cuộc sống và tâm hồn của mỗi người trong xã hội, hay trong cộng đoàn có thực sự bình an không? Với quan niệm cổ xưa như vậy, cho nên nhiều người đã hiểu hòa bình là không có chiến tranh, không có xung đột.
Từ một quan niệm cổ xưa như trên ta hãy bước sang một quan niệm mới về hòa bình trong giáo huấn của Giáo Hội.
Hòa bình theo giáo huấn của Giáo hội
Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII trong thông điệp “Hòa bình trên trái đất” năm 1963 đã cho ta hiểu rộng rãi hơn về hòa bình: “Hòa bình phải được xây trên trật tự, do Thiên Chúa thiết lập, và trật tự ấy là kết quả của việc tạo lập các mối tương quan hài hòa giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, giữa các quốc gia với nhau và giữa mỗi quốc gia với tập thể cộng đồng quốc tế”. (Nhập đề 3). Như vậy theo Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, thì hòa bình và trật tự xã hội đòi hỏi mỗi người và mỗi tập thể phải chu toàn các nhiệm vụ, mới được hưởng các quyền lợi tương xứng. Năm 1967, Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã ban hành một thông điệp mang tên “Phát triển các dân tộc”, trong đó ngài khẳng định “con đường hòa bình phải đi qua phát triển”. (số 83) có nghĩa là hòa bình là phát triển hay hòa bình là kết quả của phát triển. Sự phát triển ở đây là phát triển mọi khía cạnh của con người: phát triển về đời sống vật chất để đáp ứng nhu cầu của thân thể, phát triển về tri thức để đáp ứng nhu cầu của tinh thần, phát triển về đức tin để đáp ứng nhu cầu tâm linh… Sứ điệp Hòa bình của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô năm 2014 với chủ đề “Tình huynh đệ, nền tảng và con đường của hòa bình” mở đầu như sau: “Trong sứ điệp ngày Thế Giới Hòa Bình lần đầu tiên của tôi, tôi cầu chúc cho tất cả mọi người và mọi dân tộc được cuộc sống đầy vui tươi và hy vọng. Trái tim của mỗi người chất chứa niềm hy vọng một cuộc sống tròn đầy, hòa thuận với hết mọi người, thấy nơi khuôn mặt của tha nhân những người anh chị em để yêu thương và đón nhận, chứ không phải những kẻ thù địch” (số 1). Như thế, hòa bình còn là kết quả của một cuộc hoán cải nội tâm, và ý thức của mỗi người và tập thể, đối với việc xây dựng tình huynh đệ và bác ái. Đây cũng là trách nhiệm và bổn phận của mỗi người, cũng như tập thể trong việc xây dựng hòa bình.
Trở về với câu nói của nhà văn Nam Cao: “Đàn bà vốn chuộng hòa bình”. Chúng ta thấy nhà văn đề cao vai trò của người phụ nữ đối với hòa bình, nhưng lại chỉ có nghĩa trong việc khéo léo dàn xếp cho yên chuyện, cho khỏi sinh sự, cho khỏi xảy ra xung đột. Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II trong sứ điệp ngày hòa bình thế giới 1995 với đề tài “Phụ nữ người giáo dục hòa bình”, muốn kêu gọi phụ nữ trong mọi hoạt động “họ phải trở nên những chứng nhân hòa bình, những sứ giả hòa bình, những nhà giáo dục hòa bình” (số 2). Phụ nữ là chứng nhân hòa bình theo nghĩa là người phụ nữ phải vun trồng hòa bình trong chính bản thân mình, để làm được điều đó chúng ta phải ý thức rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương và chúng ta muốn đáp trả tình yêu của Người (x. số 5). Chứng nhân hòa bình còn là người biết kiến tạo hòa bình. Người phụ nữ mà nhà văn Nam Cao đề cập tới cũng là người phụ nữ biết kiến tạo hòa bình, cho dù chỉ là hòa bình tạm bợ để khỏi sinh sự. Người phụ nữ cũng phải trở nên người giáo dục hòa bình trong thiên chức làm mẹ tác động trên con cái, là những mầm non của Giáo Hội và thế giới.
Nữ tu Mến Thánh Giá trong vai trò giáo dục hòa bình
Đối với chúng ta, những nữ tu MTG trong vai trò là người phụ nữ nhưng là một phụ nữ được thánh hiến, nghĩa là tự hiến dâng cuộc đời mình cho Chúa Giê-su Ki-tô Chịu Đóng Đinh, để cùng với Người dấn thân phục vụ hạnh phúc cho tha nhân, đưa nhiều linh hồn trở về với Chúa. Trong tư thế đó, người nữ tu MTG phải đóng góp sức mình trong việc làm chứng nhân, làm sứ giả và là nhà giáo dục hòa bình theo Tin Mừng một cách đặc sắc và sâu sắc hơn.
Trước hết người nữ tu Mến Thánh Giá là chứng nhân của hòa bình Tin Mừng, bằng cách tự hòa giải mình với Thiên Chúa qua trung gian là Đức Giê-su Ki-tô Chịu Đóng Đinh, nghĩa là tâm hồn người nữ tu Mến Thánh Giá phải luôn bình an, luôn sống trong ân sủng, bằng đời sống khổ chế hy sinh, trong hiệp thông với hy tế Thập Giá của Đức Kitô, để đền tội cho chính mình. Điều đó góp phần tạo ra sự bình an nội tâm cho người nữ tu Mến Thánh Giá, và đồng thời sự bình an nội tâm đó, toát lên một niềm vui mang lại hạnh phúc cho tha nhân, như lời mong ước của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô “ở đâu có các tu sĩ thì có niềm vui” (Tông thư đời sống thánh hiến. II, 1).
Tiếp đến người nữ tu Mến Thánh Giá là sứ giả của hòa bình Tin Mừng, bằng cách kiến tạo hòa bình, hòa giải trong môi trường mà cộng đoàn mình đang sống, đón nhận và chấp nhận nhau, xin lỗi và tha lỗi cho nhau, hiểu biết và thông cảm cho nhau vì “Ai cũng có những sai sót, những yếu đuối…gây nên cực lòng và đau khổ cho nhau, nhất là những người cùng chung sống và cùng làm việc với mình. Trong hoàn cảnh này việc kiến tạo và nuôi dưỡng cộng đoàn hiệp nhất và thương yêu đòi hỏi khả năng chịu đựng, nhẫn nại và tha thứ” (Linh đạo lòng thương xót – Đức cha Giu-se Đinh Đức Đạo, tr. 141). Đồng thời người nữ tu Mến Thánh Giá phải biết “đánh thức thế giới” về sự trao ban, tình huynh đệ, tiếp nhận sự khác biệt, yêu thương lẫn nhau, nơi làm việc cũng như nơi thi hành sứ vụ tông đồ. Đó là chứng tá sứ giả Tin Mừng mà “Một tu sỹ không bao giờ được khước từ tính ngôn sứ này” (x.Tông thư đời sống thánh hiến. II, 2).
Cuối cùng người nữ tu MTG là người giáo dục hòa bình Tin Mừng, bằng cách thực hành vai trò trung gian sáng tạo trong việc hiệp thông với Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh. Thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI đã nói “phát triển là tên gọi mới của hòa bình”. Vậy người nữ tu Mến Thánh Giá góp phần xây dựng hòa bình bằng giáo dục, làm phát triển và thăng tiến con người, thông dự vào vai trò trung gian sáng tạo theo gương Đức Ki-tô, trở thành những cô giáo trong môi trường giáo dục với 5 nhiệm vụ mà Đấng Sáng lập đã đề ra. Nơi đây chị em truyền đạt cho trẻ nhỏ, thiếu nữ cũng như những phụ nữ, lòng yêu chuộng sự thật và công bằng, lòng hiếu thảo và kính trọng người khác, thái độ cởi mở với mọi người và tinh thần phục vụ. Truyền tải những tri thức cho phụ nữ và thiếu nữ những điều họ cần biết, để chính họ sau này cũng trở thành những người giáo dục hòa bình trong gia đình cũng như trong môi trường sống. Và nếu họ có sa chân lỡ bước thì xin Chúa kéo họ ra khỏi con đường tội lỗi trở về với đời sống lương thiện, xứng với nhân phẩm và tình thương đặc biệt của Đức Ki-tô dành cho họ. Phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân, để củng cố đời sống tự nhiên, giúp họ đi vào đời sống siêu nhiên, để nhờ đó họ cũng được hưởng tình thương yêu của Đức Ki-tô. (x. Ltk III). Trong các lĩnh vực khác của xã hội, như truyền thông, văn hóa, thể dục thể thao, hội họa v.v..cũng giúp cho việc thăng tiến con người trong nhiều yếu tố của cuộc sống, nhờ đó giúp thay đổi nhận thức, hiểu biết lẫn nhau, tiến tới cảm thông, yêu thương và cùng nhau tiến bộ. Ngoài ra việc bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ cuộc sống, mỗi người cần ý thức sạch sẽ và gọn gàng từ ngoài vườn vào trong nhà, từ nơi riêng đến nơi chung, giúp cho cơ thể khỏe mạnh.
Trong muôn vàn điều tốt đẹp mà cuộc đời mang lại cho mỗi người có lẽ hòa bình chính là món quà vô giá nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng cho loài người. Nhưng điều đó còn tùy thuộc nơi mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau cố gắng nới rộng tình bác ái, nới rộng tình chị em, vượt qua những trở ngại về tính nết, quan điểm, và cách sống, việc nới rộng nó bao gồm cộng đoàn và Hội dòng. Hòa bình phải là một cái gì nằm trong tinh thần con người trước, và để được như vậy, từng người chúng ta, cần phải rèn luyện, để có được những đức tính cần thiết của yêu thương và tha thứ, đem lại sự bình an ngay trong cộng đoàn mình đang sống, cho dù chúng ta vẫn còn là những con người bất toàn và yếu đuối. Nhưng trên hết người nữ tu Mến Thánh Giá cũng có phần trách nhiệm lớn trong việc xây dựng hòa bình đó.
Nt. Tê-rê-sa Đỗ Thị Đĩnh
Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội