Cuộc sống sẽ qua đi một cách vô nghĩa, nếu như trong ta chẳng có lấy một điểm dừng để nhìn lại những chặng đường đã qua. Tri ân Thiên Chúa vì điều Ngài đã soi sáng, để rồi nhờ đó con có cơ hội nhận ra giá trị quà tặng mà Ngài trao ban. Với chặng dừng chân này, con đã cảm nghiệm và nhận thức rõ nét hơn về những bài học mà Chúa đã mang tới cho con trong cương vị Tập sinh – thực tập sứ vụ Tông đồ.
Bài học đầu tiên con muốn viết lên hai từ “yêu mến”, để ca khen đời sống nguyện cầu.
Trong đời thánh hiến, có lẽ sẽ chẳng có việc làm nào cao quý và ý nghĩa cho bằng lời cầu nguyện, chẳng thể có điều chi đẹp ý Chúa hơn một đời sống chuyên chăm nguyện cầu và kết hợp với Chúa. Nhờ có đời sống cầu nguyện mà bản thân con thấy mình lớn hơn và trưởng thành trong đời tu. Nhờ sợi dây liên kết với Chúa trong cầu nguyện, mà con có sự khôn ngoan, sáng suốt và quân bình hơn, biết sống sâu sắc hơn trong các mối tương giao, biết hiệp thông hơn trong tình thân nhân loại, biết chìm mình để suy tư về con và về Chúa, để rồi cũng nhờ đó mà bản thân biết vượt thắng những xu thế thời đại, tránh được những rắc rối khi thi hành sứ vụ Tông đồ. Đặc biệt hơn, khi suy tư về lời khuyên mà Đức cha Lambert dành cho con cái ngài: “Trước khi gieo vãi hạt giống phúc âm, hãy dùng lời cầu nguyện làm cho mưa móc sa xuống trên cánh đồng” (Đc – Ts 31). Ngài còn quả quyết: “Cầu nguyện và hoạt động luôn bổ túc và đan xen vào nhau. Cầu nguyện phải là linh hồn của tông đồ, và hoạt động là kết quả của cầu nguyện”.
Càng suy càng thấy thấm thía lời dạy của Đấng Sáng Lập. Nó thôi thúc con một ước muốn mãnh liệt: muốn trở thành một người thợ lành nghề trên cánh đồng truyền giáo, bằng việc yêu mến và kết hợp với Chúa trong cầu nguyện. Vì “nếu con không cầu nguyện, chẳng ai tin con làm việc vì Chúa đâu” (Đường Hy Vọng). Như vậy với lời cầu nguyện, con sẽ chuyển cầu cho tha nhân và trần thế được ơn cứu độ, với sức mạnh của lời cầu nguyện tha thiết, chính Chúa sẽ thi ân ơn cứu độ của Ngài giữa chư dân.
Hơn thế nữa, nơi lời cầu nguyện con đã được đổi mới rõ rệt, khi biết suy nghĩ và hy sinh vì người khác, biết đón nhận “Thánh giá của chị là khuyết điểm của tôi, và Thánh giá của tôi là khuyết điểm của chị” trong yêu thương – nâng đỡ – và sẻ chia. Thật vậy, lời cầu nguyện phát xuất từ thẳm sâu tâm hồn sẽ là nguồn sức mạnh vô biên mà con người có thể làm cho nhau. Vậy nên con muốn đời con sẽ liên lỉ với Chúa trong cầu nguyện, vì cầu nguyện sẽ là nguồn sức mạnh biến đổi chính con và cả thế giới.
Bài học thứ hai con muốn viết lên hai từ “yêu mến”, để dành tặng tha nhân.
“Yêu thương sẽ là cầu nối đưa ta đến gần Chúa và gần anh em”. Thật vậy, một việc tưởng đơn giản mà thường bị lãng quên, một việc tưởng dễ mà lại khó thực hiện. Với bản thân con cũng không loại trừ khó khăn đó. Con luôn nhắc nhở bản thân phải kiên trì, nhẫn nại và quyết tâm thăng tiến chính mình bằng con đường yêu thương. Noi gương Chúa Giê-su trên thập giá – con tập yêu thương bằng lời cầu nguyện cho những người mình khó ưa – khó gần, và cả những người chuyên công kích sau lưng…với ý thức rằng: một lần vượt qua được ngưỡng cửa khó khăn, chắc hẳn sẽ có cơ hội sống yêu thương qua những lần khác. Một điều khác nữa để con tập yêu thương, là đón nhận tha nhân cách khiêm tốn chân thành; Chân nhận khả năng cũng như nét đẹp nơi người chị em trong đơn sơ và hiếu hòa. Vì khiêm tốn tạo nên sự “Hài Hòa- THUẬN THẢO”, nhờ đó tạo nên lối văn hóa quan tâm hơn là loại trừ nhau, dễ dàng xây nên chiếc cầu nối liên kết hơn là bức tường ngăn cách. Có lẽ yêu thương là món quà lớn nhất mà con người có thể dành cho nhau trong cuộc đời.
Bài học thứ ba con muốn viết lên hai từ “yêu mến”, để trân quý sự thinh lặng.
Đây là bài học mà con ấn tượng khi suy ngắm Chặng Đàng Thánh Giá của Chúa Giê-su. Trước những lời la hét dữ dội, những nắm đấm giơ lên, những khuôn mặt giận giữ đang hướng về Chúa Giê-su. Người ta lên án và vu khống Chúa, thế nhưng Ngài không hé mở một lời, vẫn đứng đó trong sự thinh lặng.
Sự thinh lặng của Chúa cho con hiểu rằng: trong mọi hoàn cảnh cần phải nhẫn nhịn và làm chủ ngôn từ: “hãy thinh lặng khi bị chỉ trích và lịch sự khi có uy quyền”. Noi gương Chúa, con quyết tâm sống chữ “LẶNG” trong cuộc đời mình. Nhờ biết học sống thinh lặng mà con tránh được nhiều cái cớ gây vấp phạm cho người khác; Biết sống có lập trường – tránh thói a dua, hay ùa mình vào những câu chuyện phiếm; Không xen vào chuyện riêng tư của người bên cạnh. Cũng trong thinh lặng, con học được cách cầu nguyện bằng sự hiện diện và biết cách tôn trọng cuộc sống riêng tư của từng người. Trong ý thức của con, mọi tu sĩ, cách riêng là các Tập Sinh đều cần giữ và sống những điều đã được học, được biết và dốc lòng chiến đấu để tiến tới nhân đức.
Lạy Chúa! Trên đây chỉ là những điều rất nhỏ và bình dị, nhưng con thiết tưởng nó là những điều thật cần thiết và quan trọng cho một người nữ tu tương lai. Vì nếu không yêu mến cầu nguyện – không yêu mến tha nhân – và không yêu kính sự thinh lặng…thì đời tu của từng người tu sĩ sẽ có gì để thánh hiến cho Chúa. Xin Chúa giúp con luôn tin mến và nỗ lực sống những điều trên, bởi chắc chắn đó sẽ là cửa ngõ dẫn con tới lòng say mến Chúa Ki-tô Chịu Đóng Đinh ngang qua linh đạo Mến Thánh Giá. Ước chi những nhân đức mà con góp nhặt được nơi mái trường Tập Viện – mái trường Giê-su, sẽ là tụ điểm cho con xuất phát trong hành trình thiêng liêng phía trước. Để dù sau này có gặp bao khó khăn và thay đổi, thì đó vẫn chính là điểm quy chiếu – là động lực để con biết cậy dựa và tìm về với Chúa trong niềm vui của đời hiến dâng.
Tập Sinh
Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội