Tu sĩ – Cầu nối với tha nhân

Tu sĩ - Cầu nối với tha nhân

Hãy ra đi khỏi chính mình để đi tới các vùng ngoại biên của cuộc sống (ĐTC Phanxicô).

 1. Lời mời gọi của Giáo Hội về vai trò “cầu nối” của người Tu Sĩ

Giáo Hội luôn nhấn mạnh vai trò của người “tu sĩ” như là chiếc “cầu nối” của sự hiệp thông trong mọi thời đại. Công đồng Vatican II tha thiết mời gọi người tu sĩ hôm nay hãy: mở ra với thế giới, chia sẻ với mọi người, và tham gia vào những hoạt động nhằm mưu ích cho người khác một cách cụ thể và thực tiễn. Người tu sĩ trở thành những con người dấn thân phục vụ tha nhân dưới mọi hình thức và trong mọi lãnh vực. Qua đó, họ góp phần xoa dịu những nỗi đau thương của đồng loại, xây dựng một thế giới công bình, bác ái, và tốt đẹp hơn. Trong Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến (ban hành ngày 15-03-1996) số 25, Đức Thánh Cha Gio-an Phaolo II nêu rõ: “Sứ vụ của người thánh hiến là trở nên chứng tá của Chúa Kitô cho thế giới.” Thông điệp này một lần nữa được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn gửi các nam nữ tu sĩ nhân dịp năm Đời Sống Thánh Hiến. Ngài mời gọi các tu sĩ: “Anh chị em hãy đánh thức thế giới!” Trong Tông Thư này, Đức Thánh Cha còn kêu gọi các tu sĩ hãy trở nên “các chuyên viên của sự hiệp thông.” Ngài cũng mời gọi họ, “Hãy đi ra khỏi chính mình để đi tới các vùng ngoại biên của cuộc sống.”[1] Nơi đó, có những con người đang cần tới sự trợ giúp, nâng đỡ, và sự hiện diện của tu sĩ.

Hơn thế nữa, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tu sĩ hãy vượt ra khỏi con người ích kỷ của mình để trao ban cho người khác; như trong lời Kinh Hoà Bình: “Chính khi trao ban, là khi tìm lại được bản thân và niềm vui.” Ngài mong người tu sĩ mở rộng lòng mình, để tìm thấy sự sống khi ban phát sự sống, tìm thấy hy vọng khi ban phát hy vọng, và tìm thấy tình thương bằng cách yêu thương. Bên cạnh đó, trong Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” Đức Thánh Phanxicô khẳng định: Giáo Hội là “đi ra” – đi ra tìm kiếm và đồng hành với những con người đau khổ, những con người cần đến tình thương và sự trợ giúp. Hơn ai hết, nam nữ tu sĩ trong mọi thời đại, đã và đang thực thi lời mời gọi này qua đời sống cầu nguyện, hy sinh, và thực hành sứ mạng của mình. Đối với hoàn cảnh của Giáo Hội Việt Nam hiện nay, sứ vụ “cầu nối” của người tu sĩ đang cần được thực hiện một cách cụ thể và thật sâu sắc.

2. Tu sĩ – Cầu nối với tha nhân trong đại dịch Covid-19

Trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành, là người con đất Việt, dù trong nước hay ở hải ngoại; chắc hẳn ai cũng đang mang những tâm trạng đầy ưu tư, lo lắng, cảm thông, và khắc khoải cho gia đình, cho cộng đoàn, cho quê hương đang oằn mình vì đại dịch Covid-19. Chính cơn dịch bệnh này đã làm cho xã hội bất ổn, kinh tế đình trệ, nhiều gia đình, nhiều người rơi vào tình cảnh khốn khổ, chênh vênh không lối thoát. Những hình ảnh – tin tức trên các trạng mạng xã hội và Giáo Hội khiến người đọc không khỏi nghẹn lòng và xúc động. Thương và xót xa cho quê hương và cho những người con cùng mang dòng máu Việt. Những tin tức và hình ảnh đáng buồn được cập nhật hàng ngày về số người nhiễm virút và về số ca tử vong mỗi ngày một tăng. Một điều đáng thương thay hình ảnh của những người dân lao động, những người phải kiếm miếng cơm manh áo mỗi ngày. Họ không thể tiếp tục công việc trong thời gian giãn cách xã hội và dịch bệnh lan tràn hiện nay. Họ không có khả năng chi trả tiền hay trang trải về chi phí nhà trọ, cũng như những chi phí sinh hoạt cần thiết. Mỗi sự lo lắng, nhất là về những điều cần thiết nhất hiện nay như: cơm áo, gạo tiền, đều hằn trên đôi mắt của họ. Hơn thế nữa, những người con cùng một Mẹ Việt Nam giờ đây đang phải đối diện với tử thần mỗi ngày – một nỗi đau và buồn thương đang nhói trong tim của mỗi người dân Việt.

Không khỏi xót xa khi nghĩ đến những người đã qua đời vì dịch bệnh. Họ phải đối diện với sự đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Những lúc ốm đau và trong những giây phút cuối đời, ai cũng mong muốn có người thân yêu của mình bên cạnh. Tưởng chừng đó là lẽ dĩ nhiên và là điều đơn giản. Nhưng đáng thương thay, đó là điều không thể đối với những người bị nhiễm dịch bệnh, được điều trị trong bệnh viện hay trong các khu cách li trong thời gian này. Họ phải chịu đựng một mình với cơn đau và lặng lẽ ra đi trong cô đơn, không người thân, không tiếng kèn, tiếng trống tiễn đưa.

Những người bệnh và những người đã qua đời vì dịch bệnh đau đớn bao nhiêu, thì chắc hẳn những người thân yêu của họ cũng đau đớn bấy nhiêu. Không xót xa sao được khi chứng kiến người thân yêu của mình đang quằn quại trong cái đau thể xác và tinh thần, nhưng lại không được ở gần để chăm sóc và an ủi họ. Hiểu rằng nghĩa tử là nghĩa tận, nhưng họ không được ở bên cạnh những người thân yêu trong những giây phút biệt li cuối đời. Còn gì đau đớn và xót xa hơn nữa? Chúng ta, những người còn đang sống, được mạnh khoẻ và bình an, hãy dừng lại đôi phút để hiệp thông và cảm nghiệm những nỗi đau thương này, cùng với người bệnh và những người thân yêu của họ.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này lại làm xúc động lòng người bởi hình ảnh của những “tấm lòng nhân ái” từ những cá nhân, cộng đoàn, và các tổ chức khác nhau. Hòa vào cùng nỗi đau của tha nhân, biết bao tâm hồn đã quảng đại chia sẻ về của cải vật chất cũng như tinh thần qua việc bác ái từ thiện, những lời động viên, khích lệ, và an ủi. Họ đang hướng về những con người đau khổ với lòng trắc ẩn và cảm thông sâu xa. Hình ảnh những giáo xứ, giáo dân, và tu sĩ đã và đang ngày đêm chung tay gom góp, kể cả khuân vác các nhu yếu phẩm thâu đêm. Họ không nề hà sự mệt mỏi của công việc, để có thể giúp đỡ những anh chị em đang trong khu vực bị cách ly, và những vùng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Chính họ đã chạm đến con tim của biết bao nhiêu người.

Bên cạnh đó, có những con người dám xả thân đi vào những nơi dịch bệnh bùng phát, những bệnh viện dã chiến, và những khu cách ly để phục vụ. Phần lớn trong số những tình nguyện viên đó là các tu sĩ nam nữ. Sứ mạng “cầu nối” của tu sĩ được thực thi hơn bao giờ hết trong hoàn cảnh hiện nay. Như bao người khác, họ cũng muốn giữ cho mình, cho gia đình, và cộng đoàn được bình an, tránh xa sự lây nhiễm của dịch bệnh. Tuy nhiên, vì tình yêu thương, bác ái Kitô giáo, họ đã sẵn sàng hy sinh, dấn thân phục vụ và hiện diện với những anh chị em đau khổ của mình. Ngoài ra, không thể không kể đến những lời cầu nguyện liên lỉ, hy sinh, và hãm mình thầm lặng của biết bao tu sĩ khác, cũng đang hướng về những nơi dịch bệnh. Tất cả các tu sĩ, những người đang hiện diện trực tiếp hay gián tiếp với các nạn nhân của đại dịch Covid đang thực thi triệt để lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô: Tu sĩ là “các chuyên viên của sự hiệp thông.”

III. Sứ vụ “cầu nối” của người ntu Mến Thánh Giá

Sứ vụ cầu nối của người nữ tu Mến Thánh Giá được khẳng định cụ thể qua lời giáo huấn của Đức cha Lambert de la Motte, Đấng Sáng Lập dòng. Ngài nhấn mạnh rằng:

Điều quan trọng nhất, là các con phải thực hành mọi việc thay cho Chúa Giêsu-Kitô; Người muốn đích thân làm những việc ấy mà không thể được, nên dùng một số tâm hồn do người tuyển chọn mà ban đầy tinh thần của Người là tinh thần trung gian, để tiếp nối cuộc đời lữ thứ và hy sinh của Người cho đến tận thế.[2]

Quả thực, lời mời gọi này đã được các nữ tu Mến Thánh Giá đáp trả qua việc sống và thực hành ba chiều kích linh đạo của Hội Dòng: Cầu nguyện, Khổ chế, và Tông đồ. Trong suốt hơn ba thế kỷ qua, Chị Em đã không ngừng thực thi sứ vụ chuyển cầu này qua đời sống cầu nguyện, hy sinh, và tông đồ. Tất cả ba chiều kích này đều mang đậm sứ vụ chuyển cầu cho tha nhân. Điều này được ghi nhận qua ngòi bút của Cha Giu-se Trương Kỷ trong tập sách Đạo Thiên Chúa và Dân Nước Việt. Tác giả hoạ lại hình ảnh của người Nữ Tu Mến Thánh Giá trong những năm trước đây:

Khắp miền Bắc, Trung, Nam.. hình bóng các “Dì Phước” sống ẩn dật, âm thầm dưới luỹ tre xanh trong các làng mạc hẻo lánh. Với y phục bình dân, áo bà ba đen, gánh thuốc viên đi phân phát cho dân nghèo; tự túc sinh sống, chăm lo việc đồng áng cấy hái. Mở lớp dạy trẻ em tập viết tập đọc, không phân biệt lương- giáo, tại những nơi đồng chua nước mặn. Dạy giáo lý tân tòng và Rửa tội cho trẻ em chết yểu, chết non. Đời sống cộng đồng kham khổ, thiếu thốn, chuyên lo đọc kinh cầu nguyện, và đặc biệt giúp đỡ giới phụ nữ nghèo khổ, chăm sóc trẻ mồ côi.[3]

Hình ảnh người nữ tu MTG thật đẹp trong sự giản dị, hoà mình với đời sống của người dân, và “nên một” với họ. Mặc dù mang bên ngoài dáng dấp nhỏ bé, đơn sơ, nhưng những người nữ tu này mang trong mình một trái tim lớn lao, đầy ắp yêu thương. Các nữ tu quan tâm đặc biệt tới những người ốm đau bệnh tật, những người nghèo khổ, và những mảnh đời bất hạnh. Họ như những “thiên thần” thoa dịu nỗi đau của những con người khốn khổ, như lời của Đức cha Lambert, “Phần gia nghiệp của nữ tu là thoa dịu những nỗi khổ đau của tha nhân…….. Các nữ tu được họ tôn kính như một thiên thần.”[4]

Sứ vụ cầu nối tiếp tục được các chị em MTG thực thi trong suốt những năm qua, bằng việc không ngừng sống và thực hành linh đạo của Hội Dòng. Lòng không khỏi xúc động và cảm tạ Chúa khi thấy sự hiện diện của chị em MTG ở hầu hết các giáo xứ của Địa phận Hà Nội. Ngoài việc tự lo cho cuộc sống, chị em tham gia vào công việc giáo dục, y tế, mục vụ giáo xứ, và công tác xã hội. Người giáo dân thường nhận xét rằng, ở đâu có các Sơ, ở đó trẻ em và thanh thiếu niên, cũng như các phong trào và hoạt động của giáo xứ dần đi vào nề nếp. Nói như vậy không phải để tự cao, tự đại, nhưng để cảm tạ Chúa vì ơn gọi và sứ vụ cao cả mà Người đã trao ban cho các nữ tu. Đó là sứ vụ chuyển cầu, để qua họ, những người Công Giáo cũng như không Công Giáo thấy được tình thương và sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống.

Tuy nhiên, chúng ta cũng ý thức rằng, nhiều khi thực thi sứ vụ chuyển cầu cho “tha nhân” ngoài cộng đoàn dòng tu của mình đôi khi lại dễ dàng hơn là đối với chính chị em đang sống bên cạnh, và sống dưới cùng một mái nhà. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tu sĩ hãy trở nên “cầu nối” ngay trong chính cộng đoàn dòng tu của mình, trước khi trở thành cầu nối cho những người khác. Một cách cụ thể, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, “Các chỉ trích, các lời tâng bốc, các ghen tương, tị hiềm, các cách chống ngược lại nhau, là các thái độ không có quyền ở lại trong nhà của các Con.”[5] Thay vào đó, Đức Thánh Cha kêu gọi các nam nữ tu sĩ hãy thực thi tình bác ái, đón nhận, quan tâm, và kính trọng anh chị em, nhất là những anh chị em bé nhỏ nhất trong cộng đoàn của mình.

Là những người con mang tên “Mến Thánh Giá”, mỗi người chúng ta hãy tự hỏi: Ai là “tha nhân” của tôi, người mà tôi có sứ vụ làm cầu nối? Phải chăng đó là những người tôi gặp ở bên ngoài phạm vi nhà dòng? Không, họ chính là những người chị em đang sống bên cạnh tôi. Là một nữ tu Mến Thánh Giá, tôi mang trong mình linh đạo của Dòng: “Người nữ tu Mến Thánh Giá phải mang trái tim thương cảm và trở thành cánh tay hữu hình của Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh” (HC 70). Tôi đã là “cánh tay hữu hình” của Đức Kitô chưa? Tha nhân, những người chị em đang sống bên cạnh và xung quanh tôi có cảm nghiệm được sự hiện diện, và bình an của Chúa Kitô nơi tôi không? Tôi có thật sự là chiếc “cầu nối” xây dựng tình hiệp thông, bác ái, và liên đới với chị em trong cộng đoàn, hay tôi đang gây ra những xích mích, những hàng rào, những bức tường ngăn cách?

Nếu tôi chưa thực sự làm được điều đó, nó chưa muộn để tôi chỉnh lại lối sống và cách cư xử của mình sao cho phù hợp với đúng ơn gọi của người Nữ Tu MTG: “là cánh tay hữu hình” của Chúa Giêsu Kitô – cánh tay trao ban sự bình an; cánh tay chuyển cầu ơn Chúa; cánh tay thoa dịu những nỗi ưu tư, lo lắng của chị em tôi, cũng như của tha nhân. Mỗi người hãy đặt mình vào vị trí của Chúa Giêsu và đặt câu hỏi cho chính mình: Nếu Chúa Giêsu ở trong địa vị của tôi, Người sẽ hành động và cư xử thế nào với chị em, và mọi người xung quanh, mà tôi gặp gỡ trong mỗi tình huống hằng ngày?

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết hướng về trung tâm điểm đời sống của mình, là chính Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh. Đây chính là điểm tựa và cầu nối vững chắc với tha nhân và với chị em trong Hội Dòng.

“Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh, là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con. Chúng con thờ lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa, vì Chúa đã dùng thánh giá mà cứu chuộc trần gian.” Amen.

Nữ tu. Tê-rê-xa Phạm Thị Hải Đường

Khấn trọn MTG Hà Nội

—————

[1] Giáo hoàng Phanxicô, “Tông Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tất cả các người Thánh hiến nhận dịp cử hành Năm của Đời dống Thánh hiến,” Từ Điện Vatican, ngày 21 tháng 11 năm 2014, Lễ Dâng Mình của Đức Trinh Nữ Maria.

[2] Bức Tâm Thư của Đức Cha Pierre Lambert de la Motte gửi hai nữ tu Anê và Paula.

[3] Joseph Trương Kỷ, Đạo Thiên Chúa và Dân Nước Việt (Carthage, MO: Tủ Sách Đàm Đạo Tôn Giáo, 2005), 318.

[4] Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, “Tâm hồn truyền giáo: Tiểu Sử- Bút tích Đức Cha Lambert de la Motte, Đấng sáng lập dòng Mến Thánh Giá (1624-1679)” (Lưu hành nội bộ, 1998), 12.

[5] Giáo hoàng Phanxicô, “Tông Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô.”

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)