Suy niệm đàng Thánh giá với Henri Nouwen

Suy niệm đàng Thánh giá với Henri Nouwen

Suy niệm Đàng Thánh Giá với Henri Nouwen. Vi Hữu suy tư từ tác phẩm Walk with Jesus: Stations of theCross của Henri Nouwen

 

SUY NIỆM ĐÀNG THÁNH GIÁ VỚI HENRI NOUWEN

Vi Hữu
(Suy tư từ tác phẩm Walk with Jesus: Stations of the Cross của Henri Nouwen)

Chặng thứ nhất – Chúa Giêsu bị kết án

Do cái nhìn kỳ thị của chúng ta mà biết bao nhiêu người bị kết án, bị coi là ghê tởm. Chúa Giêsu đã từng bị Philatô kết án như thế, để trở thành kẻ đáng bị ghê tởm trước mắt nhiều người đương thời với Ngài.

Nhưng khi Philatô hỏi Ngài “Ông đã làm gì?” thì Chúa Giêsu trả lời: “Tôi đến thế gian này để làm chứng cho Sự Thật. Ai tin vào Sự Thật thì nghe Tôi.”

Sự Thật của Chúa Giêsu không phải chỉ là một giáo thuyết nhưng là chính mối quan hệ thân tình giữa Ngài với Chúa Cha. Bất kỳ ai đi vào mối quan hệ ân tình với Chúa Giêsu sẽ nhận được Thần Chân Lý – vị Thần giải thoát họ khỏi những đè nén và ám ảnh tinh thần của xã hội đương thời, giúp họ thuộc về Chúa từ bên trong và cho phép họ sống trong thế gian này với trái tim rộng mở và tinh thần biết lắng nghe – nghe thấy nỗi đau của những kẻ đang bị kết án bất công, đang bị bỏ rơi trong xã hội.

Khi hiệp nhất với Chúa Giêsu, chúng ta có thể nghe được tiếng nói của Thần Chân Lý, giúp chúng ta được tự do – sự tự do mà thế lực tăm tối không thể lấy mất được.

Đức Giêsu là người tự do nhất bởi vì Ngài kết hợp với với Thiên Chúa ở mức độ hoàn hảo nhất. Philatô đã kết án tử cho Đức Giêsu, chiều theo ý muốn của những người muốn coi Ngài là kẻ đáng bị ghê tởm. Nhưng cái chết của Ngài lại trở thành con đường đưa đến chân lý trọn vẹn, đưa đến sự tự do toàn vẹn.

Khi ta đói khát sự thật, chính là ta đang đói khát mối quan hệ ân tình với Chúa. Và khi đi vào mối quan hệ ân tình này, là ta đang mang lấy thập giá yêu thương trên vai. Khi đó niềm vui và nỗi buồn trở nên một với nhau, nỗi lo âu trước đau khổ vì thập giá và niềm tin tưởng vào Thiên Chúa trở thành một. Khi đó ta sẽ cảm nhận được rằng: Thiên Chúa lớn hơn mọi nỗi lo sợ của chúng ta, lớn hơn rất nhiều. Ngài đang đưa chúng ta vào vùng đất của tình yêu, của tự do và niềm vui bất tận.

 

Chặng thứ hai – Chúa Giêsu vác cây thập giá

Vào ngày 26/02/2023, Tuổi Trẻ online có đăng bài “Đội tang lễ trong làn mưa đạn ở ‘chảo lửa’ Bakhmut”: Các nhân viên tang lễ này hằng ngày vượt qua khói lửa bom đạn, tìm kiếm và chôn cất những người chết trong khu vực của họ.

Có lần chiếc xe tang của họ bị trúng tên lửa Nga bắn trong đêm… Cũng có lần, chỉ trong một tuần, một trong số họ bị thương, người khác suýt mất mạng vì lạc đạn, rồi một quả tên lửa rơi trúng bãi đất của nhà tang lễ… Chiến sự vẫn tiếp tục, và ảnh hưởng đến tất cả. Có người trở nên dũng cảm hơn, cũng có người phát điên…

Các nhân viên tang lễ ở ‘chảo lửa’ Bakhmut vẫn cứ kiên nhẫn với công việc chôn cất người chết vào thời điểm đó. Họ đúng là những người đang vác thánh giá là các quan tài và các tử thi đồng bào của họ đến nghĩa trang… như Chúa Giêsu vác thập giá đến nơi Ngài sẽ bị đóng đinh cho đến chết.

Chúa Giêsu im lặng vác thập giá lên đồi Canvê để chia sẻ nỗi đau của biết bao nhiêu con người trên thế giới trong mọi thời phải mang vác nỗi đau của mình và của người khác trong suốt cuộc sống cho đến khi lìa đời.

Đấng mang vác thập giá lên Đồi Sọ đó đã từng nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)

Cùng với Chúa Giêsu mang những gánh nặng cuộc đời vì yêu thương, hoa trái nhận được sẽ chính là được nên giống Chúa Giêsu, được kết hiệp với Ngài ở mức độ sâu xa nhất nơi trần gian, và đạt được hạnh phúc vĩnh cửu cho mình và cho tha nhân ở đời sau.

Chúa sẽ ban sức mạnh để những người đi theo Ngài có thể mang vác và vượt qua mọi khổ đau với tình yêu mạnh mẽ dành cho tha nhân, với sự nâng đỡ dịu dàng và niềm hy vọng tràn trề đến từ trời cao. Họ đang cùng với Chúa Giêsu thực hiện ơn cứu độ cho trần gian.

 

Chặng thứ ba – Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất

Trên thế giới có hàng triệu đứa trẻ đã ngã xuống dưới gánh nặng của bạo lực, chiến tranh, tham nhũng… Những tồi tệ khủng khiếp của thế giới đè nặng trên chúng khiến chúng phải ngã gục. Chúng thường xuyên bị bỏ đói – đói ăn và đói tình thương. Chúng lê lết ở vỉa hè, ở các hầm cầu… mong có ai đó quan tâm đến chúng. Chúng ngủ với những người lạ đang sử dụng chúng để thỏa mãn những ham muốn riêng của họ. Chúng chạy vòng quanh những con đường, cố gắng để tồn tại với băng đảng của chúng. Chúng khao khát, nhưng hình như chưa hề được nghe ai đó ngọt ngào nói với chúng: Con là con yêu dấu của Ta.

Khi lớn lên, những đứa trẻ này sẽ ra sao? Chúng có thể sẽ mang gươm giáo hoặc súng đạn rồi bắn giết ai đó để trả thù cuộc đời? Hoặc chúng có thể trở nên điên loạn, bị nhốt vào nhà thương điên hay bị nhốt vào các nhà tù tội phạm? Hoặc chúng có thể trở thành những kẻ khủng bố, cướp giật, băng đảng, buôn lậu, ma túy, đĩ điếm…? Hoặc may mắn hơn, chúng có thể khám phá ra rằng: thế giới này không chỉ có những kẻ thao túng tuổi thơ của chúng? Vẫn còn có những bàn tay giơ ra để bao bọc yêu thương chúng vô điều kiện? Vẫn còn có những con người tốt lành nâng chúng dậy khi chúng ngã xuống?

Chúa Giêsu đã từng là đứa trẻ của một gia đình nghèo. Khi trưởng thành, ngài cũng vẫn chỉ là một con người mang thân xác yếu đuối như bao nhiêu người khác, một con người bằng xương bằng thịt, chứ không phải bằng sắt bằng đá. Ngài đã phải vác thập giá sau một đêm bị tra tấn. Gắng gượng vác cây thập giá với sức lực tàn tạ, ngài đã có lần ngã xuống với thập giá đè nặng trên thân mình. Nơi Chúa Giêsu, người ta có thể trông thấy sự yếu đuối của hàng triệu đứa trẻ phải sống bên lề cuộc đời, thường xuyên ngã xuống vì đói ăn và đói tình thương.

Nhưng thật tuyệt vời, khi ngã xuống, chắc chắn Chúa Giêsu vẫn nghe được lời Chúa Cha đã từng nói với Ngài tại sông Giođan: Con luôn là con yêu dấu của Ta. Dù Ngài đang rất yếu đuối như một đứa trẻ lạc loài khốn khổ, với bao nhiêu kẻ chung quanh đang muốn ghê tởm Ngài, muốn nhục mạ Ngài, Ngài vẫn cảm nhận được tiếng Chúa Cha nói với Ngài: Con luôn là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về con.

Bao nhiêu đứa trẻ khốn khổ đang muốn nghe được lời này nhờ tình thương của chúng ta. Và chúng ta cũng là những con người yếu đuối, luôn cần được gắn bó với Chúa Giêsu để nghe được tiếng Chúa Cha thì thầm với mình: Con luôn là con yêu dấu của Ta…

 

Chặng thứ tư – Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ Maria

Trong cuộc chiến tại Ucraina và tại dải Gaza, có biết bao nhiêu bà mẹ đã suy nhược vì khóc quá nhiều, khóc cạn cả nước mắt…

Ví dụ bà Yulia Yanchar ở Ucraina: Bà đã quay video lại cảnh gia đình và hàng xóm mình nằm trong một hầm trú bom, quấn mình trong chăn cho đỡ lạnh. Bà chia sẻ: “Chúng tôi liên tục theo dõi tin tức. Tôi đã khóc cạn nước mắt. Tôi thực sự hy vọng rằng chúng tôi sẽ sống sót, bởi vì chúng tôi có những con người tuyệt vời… Tôi tin rằng chúng tôi sẽ lại được trở về sống trong đất nước của mình. Tôi tin rằng chúng tôi sẽ ổn và trên đất đai của mình, tôi sẽ lại được trồng những bông hoa mà tôi mơ ước”.

Hoặc những người mẹ ở Israel: Các bà chưa bao giờ rơi nước mắt trước mặt con, nhưng bây giờ lại khóc rất nhiều khi tâm sự về chuyện con mình phải đi chiến đấu ở Gaza, đau khổ khi vừa không muốn con mình giết bất cứ ai, vừa lo con mình bị người khác giết. Bà Miriam Atun đã rất đau lòng khi hay tin con trai bà là Yaakov phải lên đường nhập ngũ… Những ngày đó, bà đã rất suy nhược. “Tôi biết có những bà mẹ nói sẵn sàng cho con mình đi chiến đấu. Nhưng tôi thì khác. Hơn 50 ngày qua, tôi sống trong đau khổ” – bà Atun nói.

Và đây là người mẹ của Chúa Giêsu cách nay hơn 2000 năm: Chúa Giêsu đã gặp mẹ mình khi Ngài đang bị đưa đi hành hình với cây thập giá vác nặng trên vai. Mẹ Maria không hề yếu đuối. Mẹ không rên rỉ than khóc cách điên dại hay tuyệt vọng. Mẹ cũng không tất bật hối hả tìm mọi cách để ngăn chặn những người lính thôi đừng hành hạ con mình thêm nữa. Mẹ nhìn vào mắt con mình và biết rằng “Đã đến Giờ của Con” rồi. Trước đây tại tiệc cưới Cana khi Mẹ yêu cầu Chúa Giêsu giúp đỡ đôi tân hôn, Chúa đã nói với Mẹ bằng những lời mang dáng vẻ xa cách: “Giờ của Con chưa đến.” (Ga 2,4). Nhưng bây giờ thì nỗi sầu bi của Chúa và nỗi sầu bi của Mẹ đã hòa trộn nên một với nhau trong sự hiểu biết sâu sắc về Giờ thực thi kế hoạch Cứu độ của Chúa.

Cuối con đường thập giá, Mẹ Maria sẽ sầu bi đứng im lặng dưới chân thánh giá và nghe được tiếng Chúa Giêsu nói với Gioan: “Đây là Mẹ con”. Với những lời nói này, Chúa Giêsu gửi tặng Mẹ mình cho Gioan và cho toàn thể nhân loại. Và như thế, nỗi sầu bi của Mẹ không chỉ làm cho Mẹ trở thành mẹ Chúa Giêsu mà còn trở thành mẹ của tất cả những người con sống trên trần gian với nhiều khổ đau.

Mẹ im lặng đứng dưới chân thập giá, nhìn vào mắt của tất cả những người đang giải quyết những đau khổ của họ bằng nỗi tuyệt vọng hay bằng cách trả thù. Nỗi sầu bi của Mẹ đã làm cho trái tim của Mẹ mở rộng, ôm ấp tất cả những người con của Mẹ ở trần gian, bất kể họ là ai, và tặng ban cho họ sự nâng đỡ an ủi đầy tình từ mẫu của Mẹ.

Chúng ta có thể đã từng đau đớn vì bị phản bội và bị bỏ rơi bởi người khác hay bởi chính bản thân của mình. Chúng ta cũng có thể đã cảm thấy rất buồn vì mình bất lực không giúp đỡ người khác được. Hoặc ta cũng có thể đã trốn tránh, không giúp đỡ người khác, bằng cách phàn nàn hay đổ tội cho hoàn cảnh. Khi ấy ta hãy nghe Mẹ Maria mời gọi cùng với Mẹ nhìn vào mắt của Chúa Giêsu đang vác cây thập giá, để những nỗi đau ấy không đè bẹp chúng ta, nhưng chúng sẽ được đưa vào trong tim ta mà sinh ra hoa trái của lòng thương xót.

Càng sống lâu, chúng ta càng cảm nhận thêm nhiều nỗi khổ đau. Cùng với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, chúng ta nối kết tất cả những nỗi đau đó của ta với nỗi đau của toàn thể nhân loại, để phát sinh ra lòng thương xót cụ thể theo từng hoàn cảnh, từ đó niềm hi vọng sẽ lan tỏa cho ta và cho toàn nhân loại.

 

Chặng thứ năm – Ông Simon giúp đỡ Chúa Giêsu vác thánh giá

Khi Chúa Giêsu vác thập giá lên đồi Golgotha, những người lính trông thấy một người tên là Simon thành Cyrene, và chúng đã bắt ông vác thập giá đỡ Chúa Giêsu (Mt 27,32; Mc 15,21; Lc 23,26) vì thập giá đã trở nên quá nặng đối với Ngài. Đức Giêsu đang dần dần kiệt sức, không thể một mình vác thập giá đến nơi hành hình được. Ngài cần sự giúp đỡ của người khác để có thể chu toàn sứ mạng của Ngài. Ngài cần có người cùng vác thập giá với Ngài và cho Ngài.

Chúa Giêsu đến với chúng ta để chỉ cho chúng ta con đường về nhà Cha trên trời. Ngài đến để cống hiến cho ta một nơi ở mới, một tổ ấm mới, dẫn ta đến một nơi an toàn đích thực. Nhưng Ngài không thể làm việc đó một mình. Công trình cứu độ đầy khó khăn và đau đớn, là công trình của Chúa, cũng là công trình cần đến sự cộng tác của nhân loại.

Vâng, Thiên Chúa có đầy đủ quyền năng, vinh quang và oai nghi. Nhưng Chúa đã chọn sống giữa chúng ta, sống như chúng ta, trong thân phận phải lệ thuộc vào người khác. Khi Thánh Phêrô muốn bảo vệ Chúa Giêsu bằng lưỡi gươm mạnh mẽ, Chúa Giêsu nói: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy hay sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần! Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó, mọi sự phải xảy ra như vậy.” (Mt 26, 52-54).

Con đường của Chúa Giêsu là con đường của yếu đuối, của tùy thuộc, của khổ nạn. Ngài đã từng trở thành trẻ thơ, hoàn toàn tùy thuộc vào tình thương và sự chăm sóc của Đức Maria và Thánh Giuse cùng nhiều người khác. Ngài cần đến người khác để có thể hoàn thành hành trình trần thế của mình. Ngài trở thành một vị Thiên Chúa luôn đợi chờ. Ngài đợi chờ và hân hoan ngỡ ngàng trước những gì kẻ khác sẽ làm cho Ngài. Ngài sẽ bị phản bội, hay được loan báo? Bị hành hình trong sự lãng quên, hay được con người nối bước đi theo? Bị đóng đinh trên thập giá không có ai theo cùng, hay sẽ có người giúp Ngài vác thập giá? Để trở thành Đấng cứu độ trần gian, Đức Giêsu cần có người cùng vác thập giá với Ngài. Có người tự nguyện vác, có người bị bó buộc phải vác. Nhưng một khi người ta cảm nhận được gánh nặng của thập giá, người ta sẽ khám phá ra rằng: Đó chính là gánh nhẹ nhàng, là ách êm ái, dẫn đưa họ về nhà Cha trên trời.

Chúng ta thường rất muốn tự mình sống cuộc đời của mình. Xã hội của chúng ta thường ca tụng những người biết sống tự lập, tự điều khiển được vận mạng của mình, tự đưa ra mục đích sống cho mình, tự mình thực hiện được những ước vọng riêng của mình, tạo lập được vương quốc của riêng mình. Thật khó mà tin rằng: sự trưởng thành tâm linh luôn cần đến người khác, cần người “dẫn tôi đến nơi tôi không muốn” (Ga 21, 18).

Simon Cyrene cho tôi thấy một sự hiệp thông mới. Tất cả những người mà tôi cho phép chạm đến sự yếu đuối của tôi – khi ra tay giúp tôi trung thành trên hành trình về nhà Cha trên trời – sẽ nghĩ rằng họ đang làm ơn cho tôi. Chấp nhận để cho người khác làm ơn cho mình, chính là một ơn gọi rất cao cả, bởi vì khi chấp nhận và đón nhận sự giúp đỡ của người khác, tôi cho thấy ân huệ của những người đang cống hiến, và góp phần tạo thành một cuộc sống chung rất cần thiết cho nhân loại.

Khi làm việc chung với nhau, chúng ta thể hiện một nhân loại biết chia sẻ và cùng nhau chuẩn bị một ngôi nhà chung mới. Đó là điều Chúa Giêsu mời gọi tất cả mọi người, một lời mời gọi gửi đến cho chúng ta, những người cũng yếu đuối như chính Chúa Giêsu trên hành trình thập giá, cần đến sự giúp đỡ của Simon Cyrene.

 

Chặng thứ sáu – Bà Veronica trao khăn lau mặt cho Chúa Giêsu

Bà Veronica đã thường xuyên có mặt khi Chúa Giêsu giảng dạy, chữa bệnh, loan báo Tin mừng Nước Trời. Giêsu đã trở thành trung tâm cuộc đời của bà.

Bây giờ bà bỗng thấy nhân vật trung tâm đời bà bị mang đi hành hình. Nỗi cay đắng đớn đau tràn ngập tâm hồn bà. Bà cảm thấy cần phải làm một điều gì đó. Bà xô tách đám đông, bước vội về phía Chúa Giêsu và lấy khăn lau mặt Chúa.

Khuôn mặt đẫm máu của Chúa Giêsu – in hằn trên khăn của bà Veronica – chính là khuôn mặt của những người phải chịu đau khổ vì chia lìa, ly biệt… trên khắp thế gian này. Và Veronica chính là người phụ nữ của sầu đau – một nỗi sầu đâm thấu con tim, tiêu biểu cho nỗi đau mênh mông của tất cả những người phụ nữ trên thế giới. “Tại sao lại tách lìa người thân yêu của tôi ra khỏi cuộc đời của tôi như thế?”, tiếng kêu nhức nhối ấy vang lên cách dữ dội trong tim bà Veronica, cũng đang vang vọng, làm đau nhức tâm hồn của biết bao nhiêu người phụ nữ khốn khổ trên thế gian.

Tiếng kêu buốt nhức đó không phải là cũng đang vang lên trong thẳm sâu lòng tôi hay sao? Nỗi đau của Veronica là nỗi đau của chính tôi. Tôi đã từng phải chia lìa với những người tôi vô cùng yêu mến. Tôi đã từng không thể tiếp cận được những người mà tôi cảm thấy vô cùng cần thiết đối với tôi. Tôi khao khát sự hiệp thông, ao ước sự thân thiết, nhưng luôn cảm nhận sự vắng bóng, sự chia lìa và cô đơn ở chính những nơi tôi đến, ở chính những người tôi gặp gỡ. Có vẻ như luôn có một lưỡi gươm đâm thẳng vào sự hiệp thông, tạo ra cơn đau ngay trong những mối thâm tình. Có những khuôn mặt gợi lên trong tôi những câu hỏi đau đớn: “Tại sao tôi không còn có thể nói chuyện với người này được nữa? Tại sao người kia lại chết trước khi chúng tôi làm hòa với nhau? Tại sao có những người tôi cảm thấy không an toàn khi cận kề bên họ?”

Tôi đã thốt lên trước dung nhan của Chúa Giêsu: “Chúa ơi, khi nào Chúa mới đến lấp đầy niềm mong mỏi thẳm sâu trong trái tim con?”

Nỗi khao khát hiệp thông trỗi dậy mỗi khi tôi nhìn tấm khăn của bà Veronica. Cùng với khuôn mặt Chúa Giêsu hằn in trên tấm khăn này là rất nhiều khuôn mặt khác mà tôi đã từng yêu thương. Càng thêm tuổi, thì nỗi đau ấy càng thêm sâu sắc trong tôi.

Rất khó mà xóa bỏ được những nỗi đau như thế trong lòng tôi. Nhưng Chúa Giêsu cũng đang in hằn khuôn mặt đẫm máu của Ngài trên tim tôi, như khi xưa Ngài đã từng in khuôn mặt tràn đầy tình thương của Ngài trên tấm khăn của bà Veronica. Khuôn mặt ấy nói lên một tình thương đến tận cùng, một tình thương mang đến ơn cứu độ, sự hiệp thông trọn vẹn và hạnh phúc vĩnh cửu cho con người.

 

Chặng thứ bảy – Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai

Chúa Giêsu ngã xuống lần thứ hai, không phải chỉ vì cây thánh giá quá nặng, nhưng còn vì Ngài đã kiệt sức trước tất cả những gánh nặng cuộc đời của mình.

Những năm tháng vất vả làm thợ mộc ở Nadarét, thời gian rao giảng công khai – miệt mài đi từ làng mạc qua các các thành thị cùng với các môn đệ – tận tụy phục vụ đông đảo quần chúng, sự chống đối mỗi ngày một gia tăng của những người không muốn thay đổi cuộc sống, những âm mưu đe dọa hãm hại, những khuyết điểm của các môn đệ, sự phản bội của Giuđa và sự chối bỏ Thầy của Phêrô, những chế giễu nhục mạ, sự thiếu hiểu biết của Hêrôđê và Philatô, những tiếng la hét của đám đông thù địch… tất cả đã trở nên quá sức chịu đựng, khiến Ngài phải trượt chân, gục ngã.

Đâu rồi những giấc mơ mở ra thời đại mới của yêu thương và thứ tha? Viễn tượng tốt đẹp này ban đầu đã có nhiều người chia sẻ với Ngài, bây giờ thì Ngài cảm thấy như chỉ còn có một mình. Ngài tự hỏi: không biết Chúa Cha có còn nói với Ngài: “Con là con yêu dấu của Cha” nữa hay không? Ngài đã làm gì sai? Hay Ngài chỉ là nạn nhân của những quyền lực không thể kiểm soát được?

Tất cả những trải nghiệm tăm tối vô cùng nặng nề đó cho thấy Chúa Giêsu đã từng hiểu rất rõ chúng ta, khi ta rơi vào những thời điểm không còn muốn tiếp tục, chỉ muốn từ bỏ tất cả, để mặc cho những tuyệt vọng tàn phá tâm hồn và bản thân của mình. Có vẻ như tất cả đều đã thất bại, mọi nỗ lực đều trở nên vô ích, mọi giấc mơ đã tan vỡ, mọi hi vọng đều biến mất, mọi khát vọng đã bị xé nát. Tất cả không còn gì, chỉ còn lại một nỗi chán chường bao la tràn ngập cõi lòng.

Chúa Giêsu đã chịu đựng tất cả những điều đó với chúng ta khi Ngài ngã xuống đất trên con đường thập giá. Vì thế, khi ngã xuống vì những gánh nặng của cuộc đời, chúng ta hãy nhớ rằng: Chúa đã từng ngã xuống và đang ngã xuống với chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta tin rằng: “ngã đổ” cũng là thành phần luôn có của con đường thập giá, con đường cứu độ, con đường dẫn đến phục sinh và sự sống muôn đời.

 

Chặng thứ tám – Chúa Giêsu gặp các phụ nữ thành Giêrusalem

Vào thời Chúa Giêsu, có những phụ nữ thường đi theo thương khóc những tội nhân bị quân Rôma mang đi xử tử, và tùy thời cơ, cung cấp nước giải khát cho những nạn nhân đáng thương này của đế quốc Rôma.

Khi Đức Giêsu bị đưa đi hành hình, nhiều người phụ nữ như thế đã đi theo, sướt mướt khóc thương Ngài. Đức Giêsu đã quay lại nói với các bà ấy: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.” (Lc 23,28)

Chúa Giêsu lúc đó đã muốn nói với họ về tương lai của một thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá rất khủng khiếp, và Ngài ám chỉ những cuộc chiến tàn khốc cùng những bạo lực dã man diễn ra ở khắp nơi trên mặt đất:

“Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: “Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm!” Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống chúng tôi đi!, và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi! Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?” (Lc 23, 29-31)

Vào tuần thương khó, các tín hữu công giáo thương khóc Chúa Giêsu đã phải chịu bao nhiêu đau đớn trong cuộc khổ hình. Nhưng qua những lời nói với những người phụ nữ thành Giêrusalem, Chúa Giêsu muốn chúng ta còn cần phải khóc thương cả một nhân loại đau khổ mà Chúa Giêsu đã được sai đến để cứu chữa.

Khi chúng ta khóc thương Đức Giêsu vô cùng thánh thiện mà lại bị hành hình, chúng ta cũng cần phải khóc thương hàng triệu người vô tội chịu đau đớn trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại.

Và khi phải sầu buồn vì những đau đớn của chính mình, chúng ta cũng hãy đưa những đớn đau riêng tư ấy vào trong nỗi sầu đau mênh mông của biết bao nhiêu người trên thế giới hôm nay.

Nhiều người coi khóc thương là dấu chỉ của sự yếu đuối. Họ nói, khóc thương chẳng giúp ích gì cho ai. Chỉ những hành động mới là cần thiết. Nhưng Chúa Giêsu đã từng rơi lệ thương khóc thành Giêrusalem và người bạn Ladarô đã chết của Ngài. Nước mắt ấy cho thấy tình cảnh tan nát của một nhân loại đớn đau. Nước mắt ấy nối kết chúng ta cách sâu sắc với những đau khổ không thể tránh được của thân phận con người. Nước mắt ấy tạo nên bối cảnh thương xót dịu dàng, thúc đẩy thực hiện những hành động yêu thương cảm thông.

Nếu chúng ta không biết khóc thương để từ đó nhận ra và thú nhận những giới hạn, những mong manh và những tội lỗi của con người, chúng ta sẽ dễ có những phản ứng đầy phẫn nộ và thất vọng cách vô lối.

Những giọt nước mắt khóc thương sẽ đưa chúng ta vào trong trái tim của Chúa Giêsu – Đấng đã từng khóc thương nhân loại. Trong trái tim của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ biết cách ứng xử đúng đắn trước những mất mát và những đau thương, biết ứng xử đầy tình thương xót, thứ tha, khiêm tốn, dịu dàng và chữa lành như Chúa Giêsu.

 

Chặng thứ chín – Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba

Khi Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba, Ngài đã sống nỗi cô đơn của một nhân loại tuyệt vọng trong thân xác của Ngài. Ngài không thể đứng dậy nếu không có ai giúp đỡ. Một bàn tay của Ngài hẳn đã cố gắng xòe ra trên mặt đất sần sùi, mong được ai đó nắm lấy để đỡ dậy. Nhưng đã không có một bàn tay nhân từ nào nhanh nhẹn giơ ra đỡ Ngài đứng lên. Thay vào đó là một cái roi lập tức quất vào tay Ngài. Và một bàn tay hung ác thô bạo khác đã đẩy mạnh Ngài vào tư thế phải đứng dậy trong đau đớn rũ rượi.

Đức Giêsu – một vị Thiên Chúa làm người – đã ngã xuống và mong mỏi chúng ta cúi xuống mà đưa tay dịu dàng nâng Ngài lên. Nhưng chúng ta quá bận rộn đến nỗi ngay cả nỗi mong mỏi nhỏ bé ấy của Ngài, chúng ta cũng không thể nhận ra.

Kinh thánh từng mô tả bàn tay Thiên Chúa hân hoan nhào nặn Adam Eva thành hình người, dịu dàng chạm đến chữa trị nỗi đau của nhân loại, nay đã trở thành một con người ngã xuống với một bàn tay đang hết sức nỗ lực xòe ra trên mặt đất, cầu mong một bàn tay ấm áp của ai đó yêu thương cầm lấy và nâng dậy.

Nhưng đã không có một ai nhanh nhẹn làm điều này, để rồi, chỉ một chốc lát sau đó thôi, bàn tay đã xòe ra mong mỏi được yêu thương ấy của Ngài sẽ bị lý hình kéo giãn ra cách thô bạo mà gắn chặt vào thập giá. Lý hình dùng búa tạ đóng những cây đinh ác độc xuyên qua tay của Ngài. Một nỗi đau rùng rợn khiến toàn thân Ngài co giật, quằn quại trong buốt nhức đến tận cùng. Ôi, những bàn tay khốn khổ của một vị Thiên Chúa nhập thể!

Khi nhận ra bàn tay của Chúa không chỉ là bàn tay uy quyền điều khiển lịch sử nhân loại, nhưng còn là bàn tay đã từng bất lực mong chờ sự nâng đỡ của con người, ta sẽ có cái nhìn khác về những bàn tay. Ta sẽ nhận ra có vô số những bàn tay bất lực của Chúa từ khắp nơi trên thế giới đang giơ ra về phía chúng ta: bàn tay của những người nghèo đang xin miếng ăn, bàn tay của những người cô đơn đang cầu mong một sự hiện diện đầm ấm bên cạnh mình, bàn tay của những trẻ em đang mong được bàn tay của ai đó nắm lấy và nâng dậy, bàn tay của những bệnh nhân đang mong được chạm vào, bàn tay của những người vụng về đang mong được huấn luyện… Tất cả những bàn tay ấy chính là của Chúa Giêsu, đang chờ mong được những bàn tay yêu thương khác chạm đến.

Nhưng rồi, cũng luôn có những cơn cám dỗ khiến tôi lo âu về những bàn tay bất lực giơ ra từ những vùng rất xa xôi trên thế giới, khiến tôi không trông thấy những bàn tay khốn khổ cũng đang giơ ra ngay bên cạnh tôi. Mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi nhìn vào bàn tay của tôi và hỏi chúng: “Hôm nay, những bàn tay này đã có biết chạm đến bàn tay của những người xung quanh để mang lại cho họ một chút bình an, hi vọng, can đảm và tin tưởng không?”

Mỗi một bàn tay bất lực giơ ra đều là của cả nhân loại, và mỗi khi tôi yêu thương chạm đến bàn tay bất lực của ai đó, là tôi đang góp phần chữa trị nỗi đau của toàn thể nhân loại.

Chúa Giêsu đang ngã xuống và đang tìm kiếm sự giúp đỡ để có thể đứng dậy tiếp tục sứ vụ cứu độ của Ngài. Ngài đang tạo cơ hội cho tôi chạm vào Ngài và chạm vào toàn thể nhân loại nơi mỗi bàn tay bất lực giơ ra về phía tôi. Khi chạm vào những bàn tay này với sự phục vụ yêu thương của tôi, tôi sẽ trải nghiệm được sự hiện diện tràn đầy hồng ân của một vị Thiên Chúa cứu độ đang ở giữa chúng ta.

 

Chặng thứ mười: Chúa Giêsu bị lột áo

Chúa Giêsu bị lột áo: “Lính tráng lấy áo xống của Ngài chia làm 4 phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.” Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn.” (Ga 19, 23-24)

Như vậy là Chúa đã không còn gì nữa. Đức Giêsu là “hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, trong Ngài, muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình; dẫu là hàng dũng lực thần thiêng, hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Ngài và cho Ngài; Ngài có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Ngài”; Đấng vô cùng cao cả ấy bây giờ bị lột bỏ tất cả quyền năng và vinh dự, để cho thế giới thấy nơi Ngài chỉ còn là sự mong manh, dễ bị xúc phạm, dễ tan vỡ.

Đây chính là mầu nhiệm lớn nhất của mọi thời, đã được mặc khải cho chúng ta: Thiên Chúa đã chọn cách biểu lộ vinh quang thần thiêng của Người cho chúng ta trong sự khiêm hạ đến tận cùng. Khi tất cả vẻ đẹp nơi Đức Giêsu đều biến mất, tất cả những rực rỡ bị xóa nhòa, tất cả những ngưỡng mộ đều biến tan, khi đó lại là lúc Thiên Chúa đã chọn để bộc lộ tình yêu vô điều kiện của Người đối với chúng ta:

Bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta

mặt mày tan nát chẳng ra người,

không còn dáng vẻ người ta nữa…

Ngài sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ,

vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại,

được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ…

Ngài chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong

đáng chúng ta ngắm nhìn,

dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích.

Ngài bị đời khinh khi ruồng rẫy,

phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật.

Ngài như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn,

bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. (Is 52, 14-15; 53, 2-3)

Chúa Giêsu đã mang lấy sự đau khổ của nhân loại chúng ta. Chiếc áo lột ra, kéo theo những mảnh da đẫm máu, vừa gây đau đớn dữ dội trên thân xác rách nát, vừa tạo ra sự nhục nhã của một kẻ phải trần trụi trước mặt thiên hạ. Thân xác bị lột trần của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy sự xuống cấp đến tận cùng của biết bao nhiêu con người phải chịu đựng trên khắp thế giới, ở khắp mọi nơi và mọi thời. Biết bao nhiêu người bị bóc lột trên thế giới, sống khốn khổ, bị đối xử còn thua cả súc vật. Biết bao nhiêu người trong thế giới hiện đại, bị phá nát cuộc sống riêng tư vì mạng xã hội.

Tôi thường nghĩ cuộc đời mình là một hành trình đi lên núi cao, và khi đến đỉnh núi của cuộc đời, tôi cuối cùng sẽ thấy tất cả vẻ đẹp chung quanh tôi, và mọi giác quan của tôi sẽ cảm thấy được thỏa mãn trong sự hoàn hảo của chúng. Nhưng Chúa Giêsu đã chỉ cho tôi thấy một hướng đi hoàn toàn khác: Càng ngày, Chúa càng thêm lời mời gọi tôi từ bỏ những ham muốn, những thành công, những thành tích. Ngài mời gọi tôi từ bỏ mọi ước muốn quyền lực, từ bỏ những ảo tưởng về sự cao cả. Niềm vui và sự an bình mà Chúa Giêsu hiến tặng cho tôi được giấu kín trên con đường khiêm hạ của thập giá, nơi đó có niềm hi vọng chiến thắng và cuộc sống mới, nhưng chúng chỉ được ban cho tôi khi tôi sẵn sàng hy sinh tất cả: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,24)

Tôi không nên sợ bị thua thiệt, sợ mất đi quá nhiều, hoặc sợ mất đi tất cả. Chúa Giêsu đã bị lột trần để chúng ta dám ôm ấp sự nghèo nàn của chính mình và sự nghèo nàn của nhân loại. Khi nhìn vào sự nghèo nàn của chính mình và sự nghèo khổ của tha nhân, chúng ta sẽ khám phá ra lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa bộc lộ cho chúng ta. Ở nơi đó, chúng ta sẽ biết cách cho đi và tha thứ, biết cách chăm sóc và chữa lành, biết cách giúp đỡ và kiến tạo một cộng đoàn yêu thương. Khi liên đới với người khác trong hoàn cảnh khó khăn túng quẫn, chúng ta sẽ tìm ra cách đến gần nhau và vui mừng xác định tình nhân loại đầy thân ái đích thực dành cho nhau.

 

Chặng thứ mười một – Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá

Chúa Giêsu chịu đóng đinh và hấp hối trên thập giá trong suốt 3 giờ đồng hồ. Hai tay bị đóng đinh đau đớn vào cây gỗ, ngực thoi thóp do ngộp thở, đầu buốt nhức với mạo gai quấn chặt, thân thể rách nát quằn quại, tai nghe văng vẳng những lời nhục mạ chế diễu… trong trạng thái hoàn toàn bất lực và khốn khổ ấy, Chúa Giêsu không hề có nỗi niềm cay đắng, không hề có ý nghĩ muốn trả thù hay nổi loạn…

Kiệt sức hoàn toàn, đồng thời cảm thấy bị các tông đồ thân thương và ngay cả Chúa Cha có vẻ như cũng bỏ rơi mình, tất cả những gì rất đen tối ấy đều đã được Chúa Giêsu biến đổi thành tâm trạng hiến dâng: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12,24).

Hoàn toàn vô tội mà phải bị hành hình rất dã man, cái chết với tâm tình tha thứ và yêu thương của Chúa Giêsu đã trở thành cánh cổng đưa đến sự sống vĩnh cửu cho toàn thể nhân loại.

Khi nhìn vào cơn hấp hối của Chúa Giêsu, chúng ta có thể thấy cả một thế giới những người đang hấp hối. Khi bị treo trên cây thập giá, ngài muốn kéo tất cả những người hấp hối trên thế gian lên cao với Ngài và đưa họ vào cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu.

Tất cả chúng ta đều sẽ phải lìa bỏ cuộc đời trong cái chết của riêng mình. Và hấp hối có thể được coi là khoảnh khắc quan trọng nhất của cả đời ta, vì đây là lúc chúng ta thấy mình phải buông bỏ mọi sự. Những gì còn lại chính là tình yêu và sự hiến dâng trong suốt cuộc đời kéo dài cho đến giờ chết.

Cái chết của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng: chúng ta không được phép sống mà giả vờ như là không bao giờ phải chết. Vì thế, cần phải biết luôn sống trong tâm tình hiến dâng để có thể hấp hối trong tâm tình dâng hiến như Chúa Giêsu, bất chấp những cay đắng trải dài trong cả đời sống.

Khi bị chết treo giữa trời và đất, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta nhìn thẳng vào cái chết và tin rằng chết không phải là hết. Và như thế chúng ta có thể đến thăm những người đang hấp hối và mang lại cho họ niềm hi vọng. Chúng ta có thể ôm lấy thân xác người thân đang hấp hối với niềm tin vào Đức Giêsu, Đấng sẽ đón nhận và ban niềm vui vĩnh cửu cho những người gắn bó với Chúa trong cơn hấp hối.

 

Chặng thứ mười hai – Chúa Giêsu chịu chết

Chúa Giêsu đã chết trên thập giá. Ngài chết không phải chỉ vì bị tòa án Philatô xét xử, bị quân dữ hành hình, bị đóng đinh cách rùng rợn, mà còn vì tất cả quyền lực của sự chết từ mọi nơi mọi thời đã đồng loạt tấn công Ngài, do Ngài là Đấng gánh tội cho toàn thể nhân loại.

Nhưng cái chết của Chúa Giêsu lại tiêu diệt chính cốt lõi quyền lực của sự chết vì Ngài chính là sự sống: “Điều đã được tạo thành ở nơi Ngài là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.” (Ga 1,3-5)

Bằng cái chết của mình, Chúa Giêsu đã tiêu hủy nọc độc của sự chết. Ngài đã ban cho các tín hữu quyền trở thành Con Thiên Chúa để họ đi vào cõi sống trường sinh, nơi không còn sự chết.

Bóng tối trong trái tim của chúng ta đã khiến ta đầu hàng quyền lực của sự chết. Bóng tối trong xã hội chúng ta cũng đã khiến chúng ta trở thành nạn nhân của bạo lực, chiến tranh, khủng bố… Những bóng tối của sự chết đó đang bị ánh sáng của Chúa Kitô đẩy lui dần dần: “Đức Kitô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử.” ( 2 Tm 1,10)

Thực ra rất khó mà khẳng định được rằng sự sống đang chiến thắng, khi ta luôn phải đối diện với sức mạnh hung hăng của sự chết. Chúng ta luôn bị cám dỗ tin rằng quyền lực của sự chết vẫn đang chiến thắng mỗi khi đọc những bản tin nói về chiến tranh, sát nhân, bắt cóc, hành hạ và vô số những thảm kịch dẫn đến rất nhiều chết chóc và thương vong.

Thách đố lớn lao của Kitô hữu là phải luôn biết chọn lựa những thái độ dẫn đến sự sống vĩnh cửu, thay vì hành xử theo cung cách dẫn đến cái chết đời đời: chọn lựa tha thứ thay vì kết án, chọn lựa đón nhận thay vì loại trừ, chọn lựa vươn tới thay vì co cụm, chọn lựa chia sẻ thay vì tích trữ, chọn lựa chữa lành thay vì gây tổn thương…

Ngay cả những cảm xúc nằm sâu trong tim ta cũng phải là chủ thể của những lựa chọn như thế: Tôi phải lựa chọn giữa bực bội và biết ơn, giữa thất vọng và hi vọng, giữa sầu muộn và hân hoan, giữa giận dữ và bình an, giữa hận thù và yêu thương… Nhiều cảm xúc khác nhau như thế ùa vào trong tâm hồn khiến chúng ta khó có thể kiểm soát hết được. Nhưng nhờ cái chết hiến dâng của Ngài, Chúa Giêsu đã sống lại và ban cho ta sức mạnh Thánh Thần để giúp ta chọn đúng hướng, ngăn cản được sức mạnh của sự chết đang xô đẩy chúng ta rơi dần vào hố sâu của bóng tối tội lỗi.

Sự chết, sự hủy diệt vẫn còn bao vây chúng ta từ mọi phía. Vô số những nguồn lực trên mặt đất này đang được sử dụng để phục vụ cho quyền lực của sự chết. Công nghệ chiến tranh đã ngốn hết một số lượng lợi tức khổng lồ của nhiều quốc gia. Kho dự trữ vũ khí quy ước và hạt nhân cứ tăng thêm mỗi ngày. Và toàn bộ các nền kinh tế càng ngày càng lệ thuộc vào việc sản xuất những vật liệu chiến tranh. Nhiều đại học và học viện phải đón nhận sự hỗ trợ kinh tế từ những nhà sản xuất vũ khí. Hàng triệu người trên thế giới đang sinh sống trong các ngành nghề sản xuất những sản phẩm chiến tranh.

Quyền lực vĩ đại của bóng tối có vẻ như đang đưa chúng ta đi dần đến bờ vực của chiến tranh hạt nhân. Rất khó mà lựa chọn được thái độ đúng đắn trong một cuộc chiến tự vệ. Tất cả những viễn tượng đen tối ấy sẽ chỉ dừng lại khi tâm hồn con người của mọi bên mọi phía đều thay đổi, đều biết chọn ánh sáng của sự sống và đều quyết tâm xua đuổi bóng tối của sự chết ra khỏi tâm hồn của mình.

Cái chết của Chúa Giêsu đang mang lại sức mạnh cho tâm hồn để chúng ta có thể làm cho cuộc đời mình tràn ngập ánh sáng, đồng thời xây dựng được một thế giới tươi sáng, tự do và thanh bình: “Nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ.” (Dt 2, 14-15)

 

Chặng thứ mười ba – Tháo đinh Chúa Giêsu xuống mà phó ở tay Đức Mẹ

Sau khi biết chắc rằng Chúa Giêsu đã chết, Philatô đồng ý giao thi hài Đức Giêsu cho ông Giuse Arimathêa là “thành viên có thế giá của hội đồng, và cũng là người vẫn mong đợi Triều Đại của Thiên Chúa” (Mc 15,43). Ông này “mua một tấm vải gai, hạ xác Đức Giêsu xuống, lấy tấm vải ấy liệm Người lại, đem đặt vào ngôi mộ đã đục sẵn trong núi đá, rồi lăn tảng đá lấp cửa mộ.” (Mc 15,46)

Đức Maria – mẹ Chúa Giêsu – cũng có mặt ở đó. Khi xưa, lúc dâng con thơ trong Đền thờ Giêrusalem và cho ông Simêon ẵm bé Giêsu, Mẹ đã nghe những lời này: “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà” (Lc 2,35). Bây giờ, khi Mẹ nhận xác Chúa Giêsu trong tay, những lời này đã được ứng nghiệm. Chúa Giêsu đã chịu đau khổ và đã chết rồi, còn Mẹ Maria lúc này đang phải chịu một nỗi đau nội tâm vô cùng tận.

Nỗi sầu bi của Mẹ cũng lớn như tình yêu của Mẹ. Đã từng ôm Con Thiên Chúa trong lòng với tình yêu bao la, bây giờ Mẹ cũng đang ôm lấy toàn thể nhân loại trong nỗi sầu bi mênh mông. Trái tim tinh khiết của Mẹ – là nơi xứng đáng cho Đấng cứu độ trần gian ngự trị, bây giờ được mời gọi ôm mang cả nhân loại đau khổ và trở thành người mẹ của tất cả nhân loại. Mẹ đã đứng cận kề bên thập giá để trở thành mẹ của toàn thể nhân loại khi đón nhận lời trăng trối của Chúa Giêsu: “Này là con Bà”. Bây giờ Mẹ đón lấy xác Đức Giêsu và ôm Chúa trong nỗi cô đơn mênh mông. Sự nối kết chặt chẽ giữa tình yêu và nỗi sầu bi – được hình thành khi Mẹ ôm người con yêu dấu của Mẹ – vẫn còn đó nơi tất cả những người đã chọn sống cận kề bên trái tim Chúa Giêsu.

Yêu thương cách đích thực là sẵn sàng ôm lấy nỗi sầu đau. Yêu Chúa hết lòng, hết trí khôn và hết sức lực, chính là đưa con tim của mình vào trong nỗi đau lớn nhất mà một con người có thể biết được.

Cuộc sống của Kitô hữu là một cuộc sống yêu thương dành cho Chúa Giêsu. “Con có yêu mến Thầy không?” đó là câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra cho chúng ta, như Ngài đã từng hỏi Phêrô đến 3 lần. Và khi chúng ta trả lời: “Vâng, lạy Chúa, Chúa biết con yêu Chúa” thì Chúa sẽ nói với ta rằng: “Con sẽ được dẫn đi đến nơi mà con không muốn”. Không bao giờ có tình yêu mà không có sầu đau. Không bao giờ có dấn thân mà không có gian khổ. Không bao giờ có liên hệ mà không có mất mát. Không bao giờ có cho đi mà không có đau đớn. Không bao giờ có xây dựng cuộc sống mà không có hi sinh. Khi tìm cách trốn tránh buồn đau, ta sẽ không thể yêu thương được. Một khi đã chọn tình yêu thì sẽ phải có nước mắt.

Vào lúc thập giá tại đồi Golgotha đã rơi vào tĩnh lặng, mọi lính tráng và dân chúng đã đi về hết, và mọi sự đã hoàn tất, thì nỗi sầu bi của Đức Maria lại dâng lên và mở rộng đến tận cùng trái đất. Ai cảm nhận được nỗi sầu bi ấy của Mẹ trong chính trái tim của mình, sẽ vui mừng nhận ra rằng mình đang có một người Mẹ vĩ đại luôn đồng cảm che chở mình khi mình phải khổ đau, và giúp mình đón nhận được sự sống cùng với những hoa trái tuyệt vời phát sinh từ những đau khổ ấy.

 

Chặng thứ mười bốn – Táng xác Chúa Giêsu trong mộ đá

“Các ông lãnh thi hài Đức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do Thái. Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do Thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giêsu ở đó” (Ga 19, 40-42).

Vào lúc này, “có những người phụ nữ đã theo Đức Giêsu từ Galilê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào. Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày sabát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền.” (Lc 23,53-56)

Khi ấy, một sự yên ả sâu thẳm bao trùm ngôi mộ của Chúa Giêsu. Sách Sáng Thế kể lại, sau khi sáng tạo muôn loài, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Cũng thế, vào ngày cuối cùng của tuần lễ cứu độ, khi Chúa Giêsu hoàn tất mọi sự theo thánh ý Chúa Cha, Ngài nghỉ ngơi trong mộ. Và những người phụ nữ, tan nát cõi lòng trước cái chết của Chúa Giêsu, cũng về nghỉ ngơi theo Luật dạy.

Ngày thứ Bảy Tuần Thánh, ngày thân xác của Chúa Giêsu – Ngôi Lời nhập thể – nằm yên trong mộ đá, chính là ngày cô tịch của Thiên Chúa. Trong ngày này, toàn thể tạo vật chờ đợi trong sự yên tĩnh sâu xa. Đây là ngày tĩnh lặng trên hết mọi ngày, ngày nối kết giao ước cũ và giao ước mới, nối kết Israel với dân mới của Thiên Chúa, nối kết đền thờ Giêrusalem với việc thờ phượng trong Thánh Thần, nối kết hi lễ bằng máu chiên bò với Thánh Thể Đức Kitô, nối kết lề luật cũ với Tin Mừng. Đây là ngày tĩnh lặng vô cùng phong phú, chờ đợi sinh ra muôn ngàn hoa trái.

Chúng ta cần học hỏi nhiều về một vị Thiên Chúa nghỉ ngơi trong tĩnh lặng và cô tịch. Cho dẫu phải sống trong một thế giới ồn ào náo nhiệt, chúng ta vẫn có thể nghỉ ngơi trong tĩnh lặng và cô tịch với Thiên Chúa và để cho sự nghỉ ngơi thánh thiêng ấy sinh hoa trái trong ta. Sự nghỉ ngơi ấy của Thiên Chúa là sự yên tĩnh sâu thẳm của trái tim ngay cả giữa tiếng gào thét của quyền lực sự chết. Đây là sự tĩnh lặng cung cấp cho chúng ta niềm tin và hy vọng, giúp cho trái tim của chúng ta được bình an và hân hoan ngay cả khi mọi sự không diễn tiến tốt đẹp, khi hoàn cảnh đau thương chưa được giải quyết, khi chiến tranh vẫn tiếp diễn làm gãy đổ nhịp sống của chúng ta.

Người ta sẽ có được sự nghỉ ngơi thánh thiêng này khi sống trong Thần khí của Đức Giêsu. Đây không phải là sự nghỉ ngơi thụ động hay cam chịu, nhưng được ghi dấu với những hành động đầy sáng tạo cho công lý và hòa bình. Những hành động này sẽ phát sinh khi trái tim chúng ta biết nghỉ ngơi trong Thiên Chúa và vì thế được giải thoát khỏi những ám ảnh và áp lực, để tràn ngập trong niềm tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa.

Cho dù chúng ta có làm việc hay đang ngưng làm việc, chúng ta luôn cần đi vào sự nghỉ ngơi của ngày thứ Bảy Tuần Thánh, khi Chúa Giêsu được chôn cất trong mộ đá và toàn thể tạo vật chờ đợi mọi sự được đổi mới trong Thánh Thần.

 

Chặng thứ mười lăm – Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết

Vào sáng ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Mácđala, bà Gioanna, bà Maria mẹ của Giacôbê đã đến và thấy ngôi mộ trống của Chúa Giêsu đồng thời nghe hai chàng thanh niên áo trắng nói: “Ngài không còn ở đây nữa!” (Lc 24,10). Hai tông đồ Phêrô và Gioan cũng đến mộ Chúa, trông thấy mộ trống và các băng vải cùng khăn che đầu Chúa được xếp lại gọn gàng. Bà Maria Mađalêna còn nghe Chúa gọi tên mình (Ga 20, 3-18). Hai môn đệ làng Emmau thì được Chúa Giêsu đồng hành và nhận ra Chúa khi Ngài đồng bàn bẻ bánh trao cho họ (Lc 24,13-35). Cũng vào buổi chiều cùng ngày, Chúa hiện đến đứng giữa các môn đệ và nói: “Bình an cho các con!” đồng thời cho họ xem chân tay của Ngài (Lc 24,36-43).

Khi những việc đó xảy ra, từ sự tĩnh lặng của ngày thứ Bảy tuần thánh, đã bùng phát những lời nói đầy phấn khởi của ngày thứ nhất trong tuần, chạm đến tâm trí của những người đã từng biết và yêu mến Chúa Giêsu. Những lời nói đó là: “Chúa đã sống lại, Chúa đã sống lại thật rồi!”

Những câu nói này, được thì thầm cách êm đềm bên tai nhau, hoặc được rao giảng mạnh mẽ công khai nơi hội đường, thánh đường, quảng trường… đã lan rộng ra đến khắp cùng thế giới. Từ đó mọi sự đã đổi khác. Cây cối vẫn còn là cây cối. Sông núi vẫn còn là sông núi. Trái tim con người vẫn còn hân hoan yêu thương hoặc buồn bã sợ hãi… Nhưng tất cả đã được nâng lên trong thân xác phục sinh của Chúa Giêsu và được đặt bên hữu Chúa Cha. Trong Chúa Giêsu phục sinh, đứa con hoang đàng nhân loại đã được Cha trên trời ôm lấy, được mặc áo đẹp và xỏ nhẫn đẹp; anh chị em nhân loại đã được mời vào ngồi chung một tiệc cưới Nhớc Trời. Những bé thơ nhân loại đã được ẵm bồng trong vòng tay mẫu tử của trời cao. Tất cả đều như cũ và tất cả cũng đã được đổi mới.

Khi chúng ta sống với niềm tin vào Chúa phục sinh, gánh nặng đời ta sẽ trở nên nhẹ nhàng, và những cái ách bổn phận của ta trở nên nên dịu dàng, vì chúng ta đã tìm thấy được sự nghỉ ngơi trong trái tim hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu, Đấng đã phục sinh và đi vào cõi trời vinh hiển.

Lạy Chúa Giêsu yêu dấu, Chúa đã từng bị kết án, và vẫn còn tiếp tục bị kết án. Chúa đã từng vác thánh giá, và vẫn còn vác thánh giá. Chúa đã từng chịu chết, và vẫn tiếp tục chết như của lễ hi sinh hằng ngày trong mỗi thánh lễ. Chúa đã từng sống lại và đang là Đấng phục sinh vinh hiển. Mọi hành vi của Chúa khi xưa trên trần gian đều có giá trị vĩnh cửu, đồng thời cũng được tái diễn nơi cuộc sống của từng người trên thế gian này.

Con nhìn lên Chúa, và Chúa mở mắt cho con thấy những nẻo đường khổ nạn, tử nạn và phục sinh hằng diễn ra chung quanh con mỗi ngày. Nhưng con thường sợ hãi, không dám nhìn vào thế giới đau thương chung quanh con vì con không dám chắc rằng mình có được yêu thương, được bảo vệ an toàn hay không, do đó con đã giữ khoảng cách với những cuộc đời đầy lo âu của kẻ khác. Nhưng Chúa lại nói với con thêm một lần nữa: “Đừng sợ để cho Ta nhìn vào trái tim đầy thương tích của con. Hãy để cho Ta ôm lấy con, chữa lành cho con, an ủi nâng đỡ con, bởi vì Ta yêu con với một tình yêu vô bờ bến và vô điều kiện.”

Cảm ơn Chúa, lạy Chúa, vì đã nói với con như thế. Xin Chúa chữa lành trái tim đầy thương tích của con, để nhờ đó, con có thể đến được với mọi người xa gần.

Lạy Chúa, con biết rằng: Chúa hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và Chúa gọi con: “Hãy đến với Ta, hỡi con là người đang vất vả, đang gồng gánh nặng nề, Ta sẽ cho con được nghỉ ngơi.”

Khi cuộc khổ nạn, tử nạn và phục sinh của Chúa vẫn đang tiếp tục diễn ra trong lịch sử loài người, xin ban cho con nhiều hi vọng, can đảm và xác tín, để con biết nối kết trái tim của con cùng trái tim của cả nhân loại với trái tim của Chúa. Sự nối kết ấy sẽ trở nên nguồn sống mới vô biên, mang lại ánh sáng phục sinh tràn đầy niềm hân hoan và bình an cho mỗi người chúng con. Amen.

Nguồn: tgpsaigon.net

SUY NIỆM ĐÀNG THÁNH GIÁ VỚI HENRI NOUWEN (hdgmvietnam.com)

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)