
Tôi bước vào kỳ tĩnh tâm năm với một tâm trạng không hẳn nặng nề nhưng cũng chẳng mấy thanh thoát. Giữa guồng quay học hành, công việc, các mối tương quan,… tôi chỉ mong được dừng lại để mở cửa lòng mình, bởi chính Chúa đã ngỏ: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ…” (Kh 3, 20).
Có lẽ vì thế, trước ngày tĩnh tâm, tôi đã chờ mong sẽ có một sự bừng cháy nào đó hoặc một cú chạm thiêng liêng rõ ràng như ánh sét giữa trời quang; Một ngọn lửa như đêm Vượt Qua hay một dấu chỉ như Ê-li-a mong đợi trên núi Khô-rếp;… Nhưng khi bước vào tĩnh tâm thực sự, tất cả những gì tôi mong đợi cứ chạy trốn đâu hết mà thay vào đó là cả bầu trời tĩnh lặng. Một sự tĩnh lặng dài, dày và trống rỗng.
Tôi cảm nhận có một khoảng cách thật xa giữa tôi và Chúa trong ngày đầu tĩnh tâm. Các bài giảng vẫn diễn ra bình thường, giờ cầu nguyện vẫn thực hiện đều đặn nhưng lòng tôi lại trống trải như một căn phòng không người. Không một cảm xúc đặc biệt, không có “lửa” yêu mến, không có dấu hiệu nào cho thấy tôi đang được dẫn vào một cuộc gặp gỡ thiêng liêng. Tôi ngồi trước Nhà Tạm và chỉ nghe thấy một sự thinh lặng dội lại.
Tôi bắt đầu loay hoay với những câu hỏi: Có phải tôi đang xa Chúa hay chính Chúa đang ẩn mặt? Có khi nào tôi đã mất khả năng lắng nghe?… Thế rồi, tôi chợt nhớ đến câu nói của cha giảng phòng: Đừng lẫn lộn việc không cảm thấy gì với việc không có gì xảy ra. Thiên Chúa vẫn đang làm việc trong thinh lặng. Câu nói ấy như một tia sáng nhỏ soi sáng tâm hồn tôi. Thì ra, tôi đã đến với kỳ tĩnh tâm như người đi tìm kiếm “đặt hàng” một ân sủng và mong được nhận lại xứng tầm. Nhưng tôi đã lầm, tĩnh tâm không phải là nơi để gom góp cảm xúc mà là trở nên một hoang địa – nơi không còn gì để bám víu ngoài Thiên Chúa.
Chính trong sự trống rỗng ấy, tôi buộc phải đối diện với mình, với những mỏi mệt chưa thổ lộ cùng những kỳ vọng không thành, với những tổn thương tôi từng lấp lửng che đi. Tôi dần nhận ra, tĩnh tâm hóa ra không phải lúc nào cũng là thời gian bay bổng, mà có khi lại là lúc tôi được lột bỏ từng lớp vỏ bọc để trở về chân thật với chính mình. Rồi tôi ở lại, cứ ngồi đó dù chẳng cảm thấy gì, cũng cứ ở lại với Chúa. Tôi tin chính Ngài đang hoạt động trong sự tĩnh lặng. Và tôi hiểu rằng, sự trống rỗng cũng là một ân sủng. Vì nó dạy tôi yêu Chúa không phải bằng cảm xúc mà vì chính Ngài. Tôi học cách từ bỏ cả những đòi hỏi thiêng liêng tưởng chừng là chính đáng để học yêu như Chúa Giê-su đã yêu: âm thầm, kiên trì, không mong nhận lại.
Tôi nhớ đến hình ảnh Chúa Giê-su ngủ trên chiếc thuyền giữa cơn bão. Các môn đệ hoảng loạn vì tưởng Thầy vô tâm chẳng đoái hoài. Nhưng thật ra, Ngài vẫn ở đó. Có lẽ, trong hành trình thiêng liêng của tôi cũng vậy, Chúa cũng “ngủ” như thế không phải vì bỏ rơi mà vì Ngài muốn tôi lớn lên, biết chèo chống bằng lòng tin hơn là cảm xúc.
Sự trống rỗng không còn là thất bại. Nó là một bước khởi đầu. Như dân Ít-ra-el trong hoang địa, phải học sống nhờ man-na từng ngày. Tôi cũng đang học sống nhờ ân sủng vô hình, từng chút một. Và chính trong sự khô khan đó, tôi lại cảm thấy Chúa gần tôi hơn bao giờ hết – một sự gần gũi không đến từ xúc cảm mà từ một lòng tin âm thầm nhưng vững chắc.
Tôi đã kết thúc kỳ tĩnh tâm không phải với những cảm xúc mãnh liệt mà với một sự bình an lặng lẽ. Một tâm thế khác: khiêm tốn hơn, lắng nghe hơn và bình an hơn trong giới hạn của chính mình.
Bây giờ tôi đã hiểu: Hoang địa tuy không thấy người nhưng có một Đấng vẫn hiện diện ở đó, lặng lẽ đợi tôi. Bởi tĩnh tâm không phải là đi kiếm một CON NGƯỜI nhưng là để cảm nhận sự hiện diện ngay cả khi Ngài ẩn mặt. Chỉ cần tôi đủ kiên nhẫn để ở lại, đủ tin tưởng để lắng nghe và đủ đơn sơ để yêu Ngài mà thôi.
A.nT
Đệ tử Dòng MTG Hà Nội