
Lặng trầm bên Thánh Thể, nó nhớ lại cuộc hành hương trở về với mảnh đất Sở Kiện – Trung tâm tôn kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Không giống như những lần trước, cuộc hành lần này nó đã khám phá ra một điều vô cùng lý thú và độc đáo mà chỉ nơi đây mới có thể mang lại cho cuộc hành hương của nó. Nó như đang được cùng với các Thánh sánh bước trong đoàn người hành hương cách sống động và thiêng thánh với lời mời gọi: Hãy là một Hạt Giống Hy Vọng noi gương các bậc tiền nhân.
Nó nhớ, khi lắng nghe những chia sẻ về cuộc đời cũng như biến cố chịu tử đạo của các ngài, trong nó bỗng nảy ra một ý nghĩ thật ngớ ngẩn: “Tại sao các Thánh Tử Đạo lại dại khờ quá vậy, nếu các ngài cứ chịu chết hết thì lấy ai mà rao giảng đạo Chúa cũng như bảo vệ và xây dựng Giáo Hội?”. Nhưng khi nó suy đi ngẫm lại thì quả thực việc tử đạo của các ngài là một sự liều lĩnh, dám đánh cược với ý muốn nhiệm mầu của Thiên Chúa. Các ngài sẵn sàng chết mà không lo sợ Giáo Hội bị chôn vùi hay xóa sổ trên đất nước Việt Nam chỉ vì một lòng cậy trông, tin tưởng vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa cho đứa con còn non trẻ và yếu ớt.
Bằng một niềm tin đơn sơ nhưng kiên vững, các ngài tin Thiên Chúa có cách để thực hiện kế hoạch của Người qua chính những nghịch cảnh đầy gian nan, đau khổ và thử thách. Các ngài dám tin tưởng ngay khi Chúa thay đổi ‘giao diện’. Ngài không còn hiện diện trong uy quyền, vinh quang rạng ngời của đỉnh cao Tabo mà Ngài ẩn mình trong sự bất lực, nhục nhã và đau khổ của chiều buồn Canvê. Tuy nhiên, không vì sự thay đổi đó mà cha ông từ bỏ đức tin và niềm hy vọng. Trái lại, các Thánh Tử Đạo sẵn sàng chấp nhận trở nên hạt giống gieo vào lòng đất, chịu mục thối, hư nát để từ đó hứa hẹn trổ sinh những bông hạt trĩu nặng cho ngày mùa bội thu. Nó nghĩ, để có thể dám tin, dám hy vọng như các ngài quả thực không hề dễ dàng chút nào.
Khi nhìn đến sự phát triển huy hoàng rực rỡ của Giáo Hội Việt Nam ngày hôm nay, nó vui mừng thầm tạ ơn Chúa vì nó không cần phải tìm đâu xa cho được dấu chứng về niềm hy vọng mà có ngay trong sự can trường, anh dũng hy sinh của cha ông đi trước. Chính các ngài là những hạt giống sống động của những người hành hương trào tràn hy vọng. Có thể sống bắt chước và noi gương các ngài cũng là cả một hành trình đầy thao luyện và kiên trì.
Bên cạnh đó, từ trong sâu thẳm tâm hồn, nó cảm nhận các Thánh Tử Đạo vẫn đang là những hạt giống căng tràn sức sống, nảy nở sinh sôi mãnh liệt trong lòng Giáo Hội ngày hôm nay. Tuy rằng, những hạt giống ấy chỉ được gieo trong thầm lặng nhưng ẩn tiềm một nguồn nội lực có sức mạnh biến đổi cả nhân loại và vũ trụ. Dòng máu đào của các ngài đổ xuống cho nó hiểu rằng niềm hy vọng vào Đức Ki-tô vẫn luôn được bừng cháy ngay trong chốn ngục tù đau thương và được khẳng định chắc chắn trong chính ranh giới mong manh giữa sự sống và sự chết. Dường như chẳng có điều gì có đủ sức mạnh để dập tắt ngọn lửa hy vọng này trong lòng các Thánh Tử Đạo. Điều này cho nó nhớ đến sự kiện Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mở cửa Năm Thánh tại một nhà tù ở Rô-ma. Hành động này của Đức Thánh Cha gợi lên cho mỗi người tín hữu suy tư gì? Dường như, chính Đức Thánh Cha đang kêu gọi mỗi tù nhân cũng như những người tội lỗi đừng vội vàng thất vọng trước hiện tại bị đóng khung trong cánh cửa tù ngục hay lầm lỗi mà hãy hy vọng và không ngừng hy vọng hướng đến bầu trời tự do, nơi luôn có một Thiên Chúa là Đấng yêu thương và tha thứ không biết mệt mỏi. Nó dừng lại để chất vấn chính bản thân: “Nó có đang cho mình và người khác cơ hội để làm lại không?”. Sống là một hạt giống hy vọng đơn giản là biết cho mình và người khác cơ hội để làm lại.
Kinh nghiệm trung kiên là một hạt giống hy vọng của các Thánh Tử Đạo cũng được Thánh Phao-lô tông đồ kiểm nghiệm và chứng thực trong hành trình ơn gọi truyền giáo của ngài “…Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta…” (Rm 8, 38 – 39). Dấu chứng này cũng làm cho nó liên tưởng đến câu nói nổi tiếng của Giáo Phụ Tertullianô khi nhìn đến sự phát triển kỳ diệu của Giáo Hội Việt Nam: “Máu các thánh tử đạo làm trổ sinh các tín hữu”. Tạ ơn Chúa đã ban cho nó được diễm phúc sinh ra là con cháu của dòng dõi các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Trước mẫu gương sáng ngời của các bậc cha ông, trong bổn phận của thế hệ tiếp nối, kế thừa gia sản tinh thần quý báu, nó trầm ngâm suy tư về lời mời gọi: “Hãy trở nên một giống hy vọng” ngay trong cộng đoàn và ơn gọi của mình. Liệu rằng, nó có thể làm được điều đó trong con người bất toàn còn đầy yếu đuối và tội lỗi? Nó nhớ đến lời hứa của Thầy Giê-su đã bảo đảm với nó rằng: “Ơn Thầy luôn đủ cho con” (2Cr 12, 9). Nó thầm thĩ nguyện xin Thầy Giê-su cùng đồng hành với nó để nó có thể trở nên một hạt giống hy vọng bé nhỏ. Nó biết rằng, thân phận của một hạt giống chỉ đúng nghĩa khi hạt giống ấy được gieo vãi và chịu mục nát trong lòng đất. Như vậy, đồng nghĩa với việc nó cần chấp nhận một hành trình tự hủy, biến đổi tận căn bên trong chính con người của mình. Điều đó là điều khó thực hiện nhưng không phải không làm được. Vậy nếu muốn tên của mình được kể vào danh sách của những người công dân Nước Trời thì nó còn chần chừ điều chi, nó hối giục lòng mình cứ theo chân các Thánh Tử Đạo mà tiến bước. Vì dám gieo trong đau thương mới có ngày bội thu trong hân hoan và hớn hở. (Tv 125).
Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam xin cầu cho chúng con. Amen.
M.T
Học viện MTG Hà Nội