Nếu Ngài muốn

Nếu Ngài muốn

Trong ngôn ngữ cuộc sống thường nhật, chúng ta thường hay sử dụng chữ “Nếu” để diễn tả cho một giả thiết, giả định chưa xảy ra hay là một mong ước nào đó. Tuy nhiên, theo ngôn ngữ của người phong cùi ở đoạn Tin Mừng Lu-ca chương 5 thì ta thấy, từ “nếu” lại được mặc cho một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ.

Chỉ trong vỏn vẹn với bốn câu ngắn gọn, thánh sử Lu-ca đã thuật lại cho chúng ta rõ việc Đức Giê-su chữa lành cho một người mắc bệnh phong hủi. Theo lẽ thường tình, bệnh nhân gặp được thầy thuốc thì chỉ nhanh chóng nhất quyết xin được chữa khỏi bệnh. Thế nhưng, trong trình thuật của Thánh Lu-ca, ta không hề thấy điều đó nơi người bệnh nhân này. Anh gặp Đức Giê-su và thưa “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Lc 5,12). Nếu chỉ xét về bình diện mặt chữ nghĩa, người đọc có thể nhận định rằng, anh ta đang mang một thái độ thách thức tay nghề của thầy thuốc. Có bóng dáng thấp thoáng đâu đây sự ngạo mạn, kiêu ngạo hay làm cao. Nhưng khi nhìn đến kết thúc của cuộc gặp gỡ này thì mọi nhận định trên đều sai lầm. Đức Giê-su đã chữa lành cho anh một cách tự do, tự nguyện và vui vẻ. Vậy điều gì đã làm nên sự không ngờ này? Phải chăng Đức Giê-su không tỉnh táo khi chữa lành cho anh ta?

“Nếu Ngài muốn…” Một câu giả định nhưng lại mang một sự khẳng định chắc chắn. Người phong cùi đã không trực tiếp tuyên xưng lòng tin như bao bệnh nhân khác. Một sự khôn ngoan và chân thành anh bộc bạch niềm tin đơn sơ của mình một cách gián tiếp. Một lời tuyên xưng niềm tin không hề hống hách, thách thức mà lại rất khiêm nhu, tự hạ. Một tâm thế nghe có vẻ bất cần nhưng thực chất lại là một lời khẩn khoản, cầu xin thống thiết. Một thái độ có vẻ như không biết kính sợ Thiên Chúa nhưng thực ra lại là một thái độ hoàn toàn tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa. Một câu nói ngắn gọn nhưng thật đắt giá. Và cũng chỉ mình Thầy Giê-su mới đọc được hết những giá trị quý báu ấy. Chính vì vậy, Ngài đã đụng chạm đến anh và chữa lành căn bệnh cho anh. Nếu là con người thì chắc chắn không có lương y nào sẽ nhận lời chữa bệnh khi nghe câu nói đó.

Khi suy nghĩ đến đây, nó chợt dừng lại và soi vào chính bản thân nó. Biết bao lần nó đã mang một thái độ thách thức Thiên Chúa. Nó đặt điều kiện cho Ngài. Nó muốn lèo lái ý Chúa theo ý của nó. Nó hiện diện trước Thiên Chúa mà quên mất thân phận của nó chỉ là loài thụ tạo. Cứ nói rằng, dùng Lời Chúa là đèn soi sáng để hướng dẫn, phân định ý Chúa, ý mình. Ấy thế mà khi đụng chạm đến quyền lợi hay pháo đài cái tôi thì dường như nó chẳng nhớ chút gì đến Lời Chúa nữa. Nó liên tưởng đến lời Thầy Giê-su lên án dân Do Thái “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta” (Mc 7, 6). Thật chua xót và tủi nhục cho nó khi được ở trong nhà Chúa mỗi ngày mà lại được Thầy Giê-su trao tặng cho những lời ấy.

 “Nếu Ngài muốn…” còn là một lời mời ngỏ kính trọng mà người phong hủi dành cho Thầy Giê-su. Tại sao anh ta lại không nói luôn là ‘Ngài hãy cho tôi được sạch’ mà phải nói ‘Nếu Ngài muốn’. Có vẻ người phong hủi này rất tinh tế. Anh đã không bắt ép Thầy Giê-su phải theo ý của mình. Mặc dù anh ta biết, Giê-su là Đấng có thể cho anh được lành bệnh. Anh muốn để cho Thầy Giê-su được tự do quyết định chữa hay không. Một bệnh nhân quả thật rất tâm lý khi biết tạo cho vị lương y một tâm thế thoải mái để chữa bệnh. Đứng trước một bệnh nhân như vậy, hỏi rằng Thầy Giê-su sao có thể chối từ được chăng!

Ngẫm đến điều này, nó tìm thấy nơi người phong hủi này một nghệ thuật cầu nguyện tuyệt vời. Chẳng hề mất nhiều lời xin xỏ mà vẫn được đáp ứng hơn những gì mình mong đợi. Nó tự dò xét về cách thức nó cầu nguyện. Khi đến gặp gỡ với Thầy, nó có tạo cho Thầy một bầu không khí thoải mái không hay lúc nào cũng nặng nề, u uất? Nó có để Thầy được tự do hay chói buộc Thầy trong suy nghĩ của nó thôi? Và hơn hết là nó có dám xóa mình ra không trước mặt Thầy không hay lúc nào nó cũng muốn mình là trung tâm? Nó muốn được là con số một đứng trước hơn là con số không đứng sau?…

Thật trùng hợp cho nó khi những ngày tháng qua nó gặp một biến cố giúp ích cho nó có cơ hội biết lắng nghe tiếng của Thầy. Khi nó được trao một công việc nhưng xét thấy khả năng của nó không đảm nhận được nên đã xin khiếu. Từ ngày đó, nó không phải đảm nhận bất cứ một công việc nào khác. Nhìn thấy chị em bên cạnh bận rộn, vất vả tông đồ mà nó thì nhàn rỗi. Nó thấy mình như kẻ vô dụng. Những lời ra tiếng vào khiến cho nó càng thấy nó vô dụng. Nó chìm vào những ý nghĩ tiêu cực. Nhưng khi nhìn lại hướng sống của tháng, nó như được khai sáng. Nó tận dụng những khoảng thời gian thư thái đó để ở với Thầy nhiều hơn. Nó thân thưa với Thầy: “Nếu Thầy muốn xin Thầy cứ dùng. Còn không! xin cất con vào kho của Thầy”. Nhờ vậy, sự bình an và vui vẻ được nở rộ trong tâm hồn nó.

Nghiệm lại, nó càng nhận thấy mọi sự đều được Thiên Chúa lo liệu. Thiên Chúa luôn ban cho nó những điều còn tốt hơn cả những điều nó cho là tốt. Quan trọng là nó có dám liều lĩnh để mặc cho Thiên Chúa quyền tự do trên mọi ý của nó hay không thôi.

Và giờ đây, nó xin được mượn lời kinh của Thánh I Nhã để thay cho lời kết:

Lạy Chúa,
xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,
và trọn cả ý muốn của con,
cùng hết thảy những gì con có,
và những gì thuộc về con.

Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,
lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.

Tất cả là của Chúa,
xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.

Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.
Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.

M.T

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)