Sự vĩ đại trong cái cúi đầu

Sự vĩ đại trong cái cúi đầu

Đó là một chiều hè Hà Nội, trời không quá nắng nhưng oi bức đến nghẹt thở. Đang ngồi trong lớp học thì tôi nhận được tin Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã qua đời. Ngồi lặng người hồi lâu không hẳn vì quá sốc nhưng thấy sao quá nhanh và nhẹ nhàng vậy! Thế rồi, suốt chặng đường dài từ giảng đường trở về Nhà dòng trên chiếc xe buýt quen thuộc, trong đầu tôi không ngừng hiện lên những hình ảnh về ngài: Một Đức Giáo Hoàng với nụ cười hiền hậu, ánh mắt ấm áp, đôi giày đen cũ kỹ. Những bước chân không mỏi luôn hướng về người nghèo, người bị bỏ rơi và cả cuốn tự truyện của ngài tôi mới được tặng còn chưa kịp đọc. Tất cả cứ hiện lên như một thước phim người ta đang trình chiếu vậy.

Bất chợt, trời đổ mưa. Một cơn mưa rào xối xả đột ngột như chính tin buồn tôi vừa hay. Cả bầu trời như òa khóc. Tiếng mưa gõ xuống mái hiên và mặt đường như một điệp khúc nghẹn ngào. Tôi đứng nép dưới hiên nhà, lòng thẫn thờ, chẳng biết nên bắt đầu ghi lại điều gì về con người ấy – bởi dường như, mọi điều đẹp đẽ nhất đã được truyền thông trên khắp thế giới nói hết rồi.

Về đến nhà, tôi mở máy và bắt đầu lần tìm lại những hình ảnh, thước phim đầu tiên trong sứ vụ Giáo Hoàng của ngài. Và rồi, tôi dừng lại thật lâu trước một khoảnh khắc nhỏ bé mà “chạm” vào trái tim tôi: Ngay sau khi được giới thiệu với dân thành Rô-ma, Đức Thánh Cha đã nói:“Giờ đây, cha sẽ ban phép lành cho các con. Nhưng trước hết, cha xin các con điều này: Trước khi cha ban phép lành cho các con, xin các con hãy cầu nguyện cho cha, xin Thiên Chúa chúc lành cho cha trong lời cầu nguyện của dân Chúa dành cho vị Giám mục của mình.”

Sự vĩ đại trong cái cúi đầuĐTC Phanxicô cúi đầu xin dân thành Rôma ban phép lành cho ngài trong ngày đầu tiên thi hành sứ vụ kế nhiệm thánh Phêrô.

Và rồi ngài cúi đầu thật sâu trong sự thinh lặng sâu xa, đầy sức nặng. Không phải một nghi thức xã giao mà là một lời cầu xin từ đáy lòng. Từ vị trí cao nhất, ngài chọn bắt đầu bằng một cái cúi đầu.

“Tôi là một người tội lỗi mà Thiên Chúa đã đoái nhìn đến” – Đó là cách ngài tự giới thiệu về mình trong cuộc phỏng vấn nổi tiếng với cha Antonio Spadaro, Dòng Tên, đăng trên tạp chí La Civiltà Cattolica vào tháng 9 năm 2013 chỉ vài tháng sau khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng. Không một lời khoa trương, không một thành tích được liệt kê. Ngài không cần phải ‘nâng mình lên’ để được người ta nhìn nhận. Chính sự đơn sơ, chân thành và hạ mình ấy lại là điều khiến cả thế giới dù là người Công giáo hay không phải lặng người kính phục.

Ngay cả biểu tượng quyền lực cũng được ngài biến thành dấu chỉ của tinh thần khó nghèo. Thay vì một chiếc nhẫn ngư phủ bằng vàng, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã chọn một chiếc nhẫn bạc mạ vàng, lấy cảm hứng từ một mẫu cổ như để nhắc nhớ rằng, ngài là người kế vị của một ngư phủ. Một cử chỉ nhỏ nhưng nói lên tất cả: Ngài không đến để “thống trị”, nhưng để phục vụ.

Trong hơn mười hai năm lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã không chỉ nói về khiêm nhường bằng lời nhưng ngài sống điều đó mỗi ngày. Từ chối sống trong dinh Tông Tòa để chọn nhà trọ Thánh Mác-ta. Dùng xe bình dân, đi giày đen, tự xách vali, ăn uống giản dị, thậm chí tự thanh toán tiền phòng khách sạn mình từng ở trước khi nhận sứ vụ. Những chi tiết nhỏ nhưng đủ để thấy một tâm hồn lớn: Người đứng đầu Giáo Hội nhưng không đặt mình “trên” ai.

Khiêm nhường nơi ngài còn là sự lắng nghe và đồng hành. Ngài ôm lấy người vô gia cư, rửa chân cho tù nhân, hôn người khuyết tật, chia sẻ bữa ăn với người nghèo,… Không chỉ là những hành động bác ái – đó là một lối sống. Năm 2016, khi đến thăm trại tị nạn ở đảo Lesbos (Hy Lạp), ngài không đọc diễn văn, không nói gì nhiều, chỉ ôm lấy một em bé Syria đang khóc và rơi nước mắt cùng em. Chính trong khoảnh khắc ấy, người ta thấy nơi Đức Giáo Hoàng hình ảnh của một người cha, một người bạn, một người đồng hành với nỗi đau nhân loại.

Sự vĩ đại trong cái cúi đầu

Đó là lời nhắn nhủ của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh lễ Truyền Dầu năm 2013. Ngài mời gọi linh mục và mọi người sống đời dâng hiến đừng sống xa cách đàn chiên nhưng hãy sống giữa họ, chia sẻ niềm vui nỗi buồn, “ở gần, ở bên và ở với”, vì chính đó là mùi hương của Tin Mừng thật sự.

Càng khiêm nhường, Giáo Hội càng trở nên giống Chúa Giê-su – Đấng đến không để được phục vụ nhưng để phục vụ. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô không muốn được nhớ đến như một nhà cải cách mà như một người đã cố gắng yêu thương và phục vụ theo tinh thần ấy. Trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng số 49, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và lem luốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình.”

Ngài đã về Nhà Cha nhưng tôi tin, tinh thần khiêm nhường mà ngài gieo xuống vẫn tiếp tục nảy nở, như những hạt giống âm thầm lớn lên trong lòng Giáo Hội và thế giới hôm nay. Chúng ta có thể không nhớ hết những bài giảng, những văn kiện ngài viết. Nhưng chắc chắn sẽ còn nhớ mãi hình ảnh một Giáo Hoàng cúi đầu trước đám đông, đi đôi giày cũ, đeo nhẫn bạc, ôm lấy người nghèo,… và thấm đẫm “mùi chiên” đến cuối cuộc đời.

A.nT

 

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)