Tiếng khóc đầu tiên và nụ cười cuối cùng

Tiếng khóc đầu tiên và nụ cười cuối cùng

Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,

Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,

Một cơn gió thoảng là xong

Chốn xưa mình ở cũng không biết mình.” (Tv 103, 15 – 16)

Đối với con người, cái chết là một thực tại nghiệt ngã. Chết cũng là quy luật thách đố mọi quy luật tồn tại trong nhân loại. Đối với những người không có niềm tin thì chết là chấm hết một đời người, giống như người ta thường nói: Chết là hết. Còn đối với những người Ki-tô hữu chúng ta, khi một người được Chúa gọi về, người ấy không dừng lại ở sự chết. Bởi vì sự sống không mất đi mà chỉ thay đổi, khi sự sống đời này kết thúc, ngang qua sự chết, sự sống mới có thể được khai mở.

Ai đó đã từng nói: “Lãng quên người đã chết là khiến cho họ chết thêm một lần nữa”. Cái chết chưa hẳn đã đáng sợ, mà đáng sợ hơn là sự lãng quên, sự thờ ơ, sự vô cảm… Mỗi người trong chúng ta ai cũng có người thân yêu đã ra đi. Chúng ta cần đặt ra câu hỏi cho chính mình và những người xung quanh: Đâu là điều tốt đẹp mà họ đã để lại trong tâm trí bạn? Và câu trả lời dễ nhất đó có thể là một ánh mắt, một nụ cười, sự quan tâm chăm sóc … hay một bầu trời ký ức, gương mặt ấy, dáng đi ấy, giọng nói ấy … liệu bạn có còn nhớ hay đã quên khi họ đã chết?

Có lẽ không ai biết trước được rằng, đằng sau cái chết sẽ thế nào? Chỉ biết rằng, chết là một thực tại hiển nhiên sẽ đến với từng người và trong đó có mỗi chúng ta. Cái chết là một thách đố với những người đang sống và với người đã chết, sẽ không còn một sự hiện hữu trên trái đất này. Đối với người ra đi, chết là sự giã biệt hay là trang khép lại của cuốn sách lịch sử một đời người. Đối với người còn sống, cái chết của người kia mang tới cảm nhận mất mát, tiếc thương, sẽ là đau đớn tột cùng khi không còn gì sau cái chết. Nhưng tâm thức về sự hiện hữu nói với tôi rằng, chết là đi vào một sự sống mới không phải mất đi tất cả. Niềm tin vào Đức Ki-tô Phục sinh đã mang lại cho tôi niềm hy vọng ấy. Chính niềm xác tín này khơi lên trong tôi một cảm nhận nối kết thiêng liêng với người đã khuất. Đó là cảm thức về sự hiệp thông nơi tâm hồn giữa người ra đi và người ở lại, có thể nói: “Người chết nối linh thiêng vào đời”. Cảm thức ấy làm nên giá trị và ý nghĩa của những giây phút tôi tưởng nhớ về họ, đặc biệt là trong tháng 11 – tháng dành riêng cầu nguyện cho các Linh hồn. Tôi cầu nguyện cho họ, và cùng với họ, tôi hy vọng về sự sống mới nơi quê trời – nơi mà những người có niềm tin Ki-tô giáo gọi là quê hương đích thực, là ngôi nhà đích thực của người Ki-tô hữu như Thánh Pha-olô đã xác tín cách mạnh mẽ:“Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21).

Sự sống nhắc nhở bạn về chính bạn và cách bạn đang sống. Ai sinh ra rồi cũng phải chết, đó là quy luật của tự nhiên và chẳng có ai là sống ở đời mãi mãi. Bạn à! bạn đang sống như thế nào? Bạn có thái độ ra sao với sự sống mà Chúa ban cho bạn? Bạn có tôn trọng sự sống của người khác không? Bạn có đang hài lòng với cuộc sống hiện tại và trân quý những gì bạn đang có không?

“Sống tốt, con là một tuyệt tác” đó là điều mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhắn nhủ các bạn trẻ hôm nay. Bởi giữa thế giới hiện đại, tiện nghi, đầy đủ, con người thiếu lòng tốt hơn là thiếu lương thực. Có nhiều bạn trẻ khi rời xa môi trường xứ đạo thì dường như cũng ngày một xa Chúa hơn, bắt đầu bỏ đi lễ, bỏ đọc kinh, cầu nguyện, thậm chí là bỏ Đạo. Nhưng mời bạn hãy dừng lại một chút để nghĩ về những người đi trước. Có nhiều người đã dùng mạng sống mình để giữ vững và minh chứng Đức tin, hay các nhà truyền giáo đã vượt qua đại dương xa xôi ngàn dặm để loan truyền Đức tin, hay có những vị thánh chỉ sống trong bốn bức tường Tu viện nhưng lại cứu được rất nhiều linh hồn bằng chính đời sống cầu nguyện và kết hiệp với Chúa. Bạn cũng vậy, bạn đang sống và chính bạn cũng được mời gọi hãy sống và nên Thánh theo cách riêng của chính mình, theo con đường mà Chúa mời gọi bạn bước đi trong cuộc sống này. Điều quan trọng là, trên con đường ấy, bạn cảm nhận được có Chúa đi cùng, bạn cảm thấy bình an, hạnh phúc và cảm thấy mình đang sống một đời đầy sức sống. Để khi bạn ra đi, những điều tốt đẹp bạn để lại mang lại giá trị, ý nghĩa đích thực cho cuộc sống.

Vậy bạn hãy sống thế nào để như câu nói của Khổng tử: “Khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta thì khóc. Hãy sống sao cho khi ta chết đi rồi, mọi người khóc còn ta thì cười”. Tiếng khóc đầu tiên là tiếng khóc chào đời cũng là tiếng khóc hạnh phúc nhất, là dấu hiệu sự hiện diện của ta trong cuộc sống này. Nụ cười cuối cùng là nụ cười kết thúc, cũng là nụ cười quan trọng nhất, bởi nụ cười đó là cách bạn chứng tỏ phương châm sống của mình, bạn chỉ cười được khi bạn đã hoàn thành quỹ sống có ích và bạn thấy thanh thản, mãn nguyện với một cuộc đời ý nghĩa của chính mình.

Mát-ta Tuyết

 

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)