
Năm Thánh 2025 là một lời nhắc nhở đầy ý nghĩa về hy vọng, một nhân đức luôn hiện diện trong đời sống đức tin Ki-tô giáo. Đây không chỉ là dịp để nhìn lại nhưng còn là cơ hội để mỗi người đào sâu và làm mới lại niềm hy vọng của bản thân. Hy vọng không đơn thuần là một cảm giác mà con là một hành trình. Đối với người Ki-tô hữu, hy vọng không dừng lại ở việc mong chờ điều tốt đẹp trong tương lai nhưng còn là sự tham dự vào vinh quang của Đức Ki-tô, Đấng đã chết và sống lại vì nhân loại. Chính Ngài là nguồn mạch của hy vọng, là đối tượng để ta đặt trọn niềm hy vọng.
Dẫu vậy, trong dòng chảy cuộc sống, có những lúc chúng ta lạc mất niềm hy vọng, để nỗi thất vọng và chán chường lấn át. Chúng ta cảm thấy bế tắc, mất phương hướng hoặc tự hỏi: “Tôi đang hy vọng vào đâu?” Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã ấn định Năm Thánh hy vọng với ước mong “Năm Thánh là cơ hội cho mỗi người nhen nhóm lại niềm hy vọng.” (Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025, số 1)
Cũng như các nhân đức khác, hy vọng có thể được nuôi dưỡng và phát triển qua từng cấp độ. Có người chỉ biết hy vọng trong sự thụ động, có người dám hành động để đạt được điều mình mong muốn và có người kiên trì hy vọng ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Bài viết này mời gọi bạn suy tư về chính mình: Bạn đang đứng ở đâu trên hành trình của hy vọng?
Cấp độ 1: Hy vọng thụ động – Khi niềm tin dừng lại ở sự mong chờ
Hy vọng thụ động là khi chúng ta đặt niềm tin vào một kết quả tốt đẹp nhưng không làm gì để đạt được nó. Đó là kiểu hy vọng của những người chỉ ngồi yên chờ đợi, phó mặc cho số phận hoặc mong đợi phép lạ xảy ra.
Trong mỗi ngày sống, chúng ta gửi gắm vào đó biết bao niềm hy vọng. Từ những hy vọng nhỏ bé như tham dự thánh lễ sốt sắng, trao ban nụ cười, làm được nhiều hơn một việc tốt so với hôm qua, cho tới những hy vọng lớn hơn là trở thành một nữ tu thánh thiện. Ẩn sâu trong mỗi người, ai cũng khao khát trở nên phiên bản tốt hơn của chính mình.
Thế nhưng, nhiều khi chúng ta chỉ dừng lại ở suy nghĩ mà chưa bắt tay vào hành động. Giống như một cơ thể không thể khoẻ mạnh hơn chỉ nhờ hy vọng “ngày mai tôi sẽ khoẻ hơn hôm nay” nếu không kết hợp với chế độ sinh hoạt điều độ, ăn uống lành mạnh và rèn luyện thể chất. Đời sống thiêng liêng cũng vậy, chỉ khi chúng ta thực sự bước đi, dấn thân và đổi mới, những hy vọng mới trở thành hiện thực.
Vậy làm thế nào để vượt qua hy vọng thụ động? Dưới đây là một vài gợi ý:
Xác định những gì mình thực sự mong muốn.
Đặt ra một mục tiêu nhỏ và bắt đầu hành động, dù chỉ là bước đầu tiên.
Tìm kiếm sự hướng dẫn và lời khuyên từ những người có kinh nghiệm.
Cấp độ 2: Hy vọng chủ động – Khi ta dám hành động vì điều mình tin tưởng
Hy vọng chủ động không còn chỉ là sự mong đợi mà là một sự dấn thân. Những người có hy vọng chủ động không ngồi yên chờ đợi mà họ tìm cách để biến điều mình hy vọng thành hiện thực. Họ có thể không kiểm soát được mọi yếu tố để tránh thất bại, nhưng họ biết rằng mỗi bước đi nhỏ bé đều giúp họ tiến gần hơn tới đích điểm.
Hy vọng không chỉ là một cảm xúc mà còn cần được nuôi dưỡng bằng hành động. Để thực hành một hy vọng chủ động không có cách nào khác ngoài việc chúng ta phải hành động. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng. Như trong cuốn “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”, Rosie Nguyễn từng dẫn: “Con đường dài nhất là con đường từ cái đầu đến bàn tay”.
Dù khó nhưng không bất khả thi. Nếu bạn muốn chơi đàn thành thạo, đừng chỉ dừng lại ở việc tưởng tượng mình đang lướt ngón tay trên phím đàn như các video trên mạng. Thay vào đó bạn hãy bắt đầu bằng việc học nhạc lý, luyện ngón mỗi ngày hoặc đăng ký tham gia các khóa học phù hợp. Tương tự, nếu bạn khao khát viết một cuốn sách, hãy đặt mục tiêu viết một đoạn nhỏ mỗi ngày, từng bước biến ý tưởng thành hành động.
Hy vọng chỉ thực sự có ý nghĩa khi đi kèm với hành động. Dù là bước đi nhỏ, khi kiên trì, ta sẽ biến hy vọng thành hiện thực.
Vậy làm thế nào để rèn luyện hy vọng chủ động? Dưới đây là một vài gợi ý:
Đặt ra kế hoạch cụ thể để đạt được điều mình hy vọng.
Dám thử thách bản thân, không sợ thất bại và kiên trì.
Cầu nguyện và tìm kiếm sự nâng đỡ từ cộng đoàn đức tin.
Cấp độ 3: Hy vọng bền bỉ – Khi thử thách không thể làm ta chùn bước
Nếu hy vọng chủ động là khi ta bắt đầu hành động thì hy vọng bền bỉ là khi ta không dừng lại dù phải đối diện với khó khăn. Đây là cấp độ cao nhất của hy vọng, nơi thử thách không còn là vật cản mà trở thành động lực để ta vững bước.
Hy vọng bền bỉ là niềm hy vọng không lay chuyển, ngay cả khi mọi thứ dường như chống lại ta. Đó là niềm hy vọng của những người dám tin rằng dù hiện tại có ra sao, tất cả đều nằm trong ý định quan phòng của Thiên Chúa.
Vậy làm thế nào để duy trì hy vọng bền bỉ? Dưới đây là một vài gợi ý:
Xác định ý nghĩa lớn lao đằng sau những thử thách.
Luôn nhìn về phía trước, không để những thất bại ngăn cản.
Tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa và kiên trì cầu nguyện.
Tôi đang ở đâu trên hành trình hy vọng?
Nhìn lại hành trình, bạn thấy mình đang ở cấp độ nào của hy vọng? Bạn có đang chờ đợi mà không dám hành động? Bạn có dám bước đi? Và khi đối diện với thử thách, bạn có kiên trì giữ vững niềm tin của mình?
Bạn thân mến, Năm Thánh 2025 không chỉ là một sự kiện mang tính tôn giáo mà còn là một lời mời gọi để tôi và bạn suy tư và làm mới lại niềm hy vọng của mình. Dù bạn đang ở đâu, hãy nhớ rằng hy vọng không bao giờ mất đi, nó cần được khơi dậy và nuôi dưỡng bằng sự kiên trì và hành động. Để từ đó, chúng ta trở thành “những người cậy trông ĐỨC CHÚA và được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, ta tung cánh. Ta chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân” (x.Is 40,31).
A.nT
Đệ tử MTG Hà Nội