
Dẫn nhập
Trong thế giới ngày nay, khi con người dễ bị cuốn theo trào lưu thay đổi, thì sự trung thành trở nên một giá trị quý giá và ngày càng hiếm hoi. Đặc biệt trong đời sống tu trì, sự trung thành không chỉ là một đòi hỏi căn bản mà còn là một biểu hiện sống động của tình yêu và ơn gọi. Trung thành không phải chỉ là giữ đúng những lời khấn cách máy móc, nhưng là sự dấn thân sâu xa và liên lỉ trong tình yêu dành cho Thiên Chúa và Hội dòng bất kể thuận lợi hay khó khăn. Và trong hành trình sống ơn gọi ấy, người tu sĩ được mời gọi chiêm ngắm và noi theo một mẫu gương tuyệt vời nhất: sự trung thành của Thiên Chúa.
Thiên Chúa yêu thương và trung tín
Thiên Chúa – Đấng yêu thương và thành tín, đây là một danh hiệu không còn xa lạ đối với người Ki-tô hữu. Tình yêu ấy là một dòng chảy liên tục từ Cựu Ước đến Tân Ước với những thăng trầm trong mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người. Nó không chỉ dừng lại ở một thời điểm, một giai đoạn trong lịch sử nhưng trải dài trong suốt lịch sử của loài người. Cho dù lịch sử có dài đến đâu, con người có phản bội Ngài như thế nào thì Thiên Chúa vẫn luôn một lòng trung tín. Một lịch sử nhân loại được Thiên Chúa yêu thương dẫn dắt qua từng giai đoạn và được kiện toàn theo thời gian. Điều này được biểu lộ cụ thể nhất qua chính Con Một Người, Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã nhập thể đi vào trần gian để con người gặp gỡ được Thiên Chúa vô hình. Có lẽ, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người luôn là một giá trị bất biến không bao giờ đổi thay.
Mầu nhiệm cứu độ, một sáng kiến khởi nguồn từ ý định yêu thương muôn đời của Thiên Chúa, nhằm thông ban sự sống hạnh phúc của Ngài cho loài người. Ý định này được thực hiện qua công trình sáng tạo và ban cho con người quyền làm chủ mọi loài. Tuy nhiên, loài người đã khước từ tình yêu của Thiên Chúa bằng cách bất tuân phục và mở đường cho sự dữ xâm nhập vào thế gian, gây đau khổ và sự chết. Thiên Chúa vẫn tiếp tục ý định yêu thương và chính nhờ tình yêu của Ngài mà chương trình cứu độ được thực hiện một cách tiệm tiến trong thời gian qua giao ước Thiên Chúa ký kết với dân Người. Bởi vậy, “Dù ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2 Tm 2,13).
Sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng, sau khi A-đam, E-và phạm tội đã phá vỡ mối tương quan của mình với Thiên Chúa và với các loài thụ tạo khác. Thiên Chúa đã chọn Áp-ra-ham và thiết lập một giao ước với ông. Đồng thời hứa hẹn với ông những điều ông không dám mơ ước: đó là một dòng dõi (dân tộc) và một quê hương (đất hứa) (x. St 12, 1-3; 17, 6 – 8), để qua ông chương trình cứu độ được thực hiện. Bởi vậy, một nhà văn đã thốt lên rằng: “Thiên Chúa vẽ đường thẳng trên những nét cong” nhưng vẫn về đến đích[1].
Lịch sử tương quan giữa Thiên Chúa với dân Ít-ra-en cũng là lịch sử của một Thiên Chúa trung tín và Ngài đã nhớ đến Áp-ra-ham và dòng dõi của ông đang chịu cảnh áp bức bên Ai-cập. Thiên Chúa tiếp tục thực hiện lời hứa với Áp-ra-ham khi kêu gọi Mô-sê trở thành người lãnh đạo dân Ít-ra-en thoát khỏi cảnh nô lệ để tiến đến miền đất chảy sữa và mật như Người đã hứa (x. Xh 6,4-6). Ngài không ngừng hành động với nhiều phép lạ vĩ đại để có thể giải thoát dân khỏi nô lệ bên Ai-cập. Tuy nhiên, trái ngược với lòng trung tín yêu thương của Thiên Chúa là một thái độ bất tín của dân Ít-ra-en. Đặc biệt, trong hành trình 40 năm về đất hứa, nhiều phen dân đã lỗi phạm, than trách Thiên Chúa, thờ phượng tà thần, bất tuân phục Thiên Chúa ngang qua trung gian là Mô-sê (x. Xh 16,3; 17,3; 32,1). Cho dù như vậy, Thiên Chúa vẫn không đổi thay. Vì thế, Ngài muốn nối kết với mình vị hôn thê đã chọn bằng mối dây trung thành hoàn hảo (x. Hs 2, 22), thiếu sự trung thành đó người ta không thể nhận biết Thiên Chúa[2].
Thiên Chúa không nói dối, cũng không rút lời; ý định của Ngài được thực hiện do quyền năng Lời của Ngài, một khi đã thoát ra khỏi miệng thì sẽ trở lại sau khi đã chu toàn sứ mạng[3]. Hành trình thanh luyện 40 năm trong sa mạc của dân đã đến hồi kết, giờ đây đã đến lúc Thiên Chúa dẫn đưa dân Người vào đất hứa.
Như vậy, một giai đoạn lịch sử của dân Chúa đã qua đi với nhiều biến cố thăng trầm từ đời nọ tới đời kia. Nhưng không vì thế mà lời Thiên Chúa hứa cũng theo đó mà mai một, trái lại “Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi, nhớ lời đã cam kết đến ngàn thế hệ!” (Tv 105,8). Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa ấy một cách trọn hảo là làm thành một dân đông đảo mang tên Ít-ra-en và đã cho họ đất Ca-na-an làm kỷ phần gia nghiệp (x.Tv 105,11; 1Sm 16,18). Được Thiên Chúa chọn làm chứng nhân của Ngài, Ít-ra-en đã không phải là tôi tớ trung thành; họ vẫn mù vẫn điếc (Is 42,18tt). Nhưng Thiên Chúa đã chọn một Tôi Tớ khác và ban Thần Khí cho Ngài, để Ngài biết nghe và biết nói. Người được chọn ấy trung thành rao giảng đức công chính, và những thử thách cũng không thể làm cho Ngài bội tín với sứ mệnh của mình, vì Thiên Chúa là sức mạnh của Ngài[4].
Trung thành của Đức Giê-su
Người Tôi Tớ trung thành được loan báo trong Cựu ước chính là Đức Giê-su Ki-tô, Con và Lời của Thiên Chúa Đấng chân thật và trung thành. Ngài đến để hoàn tất Thánh Kinh và công trình cứu chuộc trong tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Đức Giê-su đã diễn tả sự trung tín của Người qua việc làm theo thánh ý Chúa Cha. Có lẽ, cả cuộc đời của Ngài đã không tự ý làm điều gì, nhưng để làm theo ý Chúa Cha (Ga 6,38). Chúa Giê-su là mẫu gương trọn hảo trong cuộc chiến thiêng liêng. Trong cuộc chiến ấy, Ngài đã thắng thế gian, thắng ác thần và thắng tội lỗi nhờ cuộc khổ nạn của Người. Hầu có thể đưa con người tiến vào vương quốc vĩnh cửu dành cho những ai thuộc về Người.
Đấng Mê-si-a khiêm nhường đã chiến thắng ác thần nhờ việc gắn bó trọn vẹn với kế hoạch cứu độ theo ý muốn của Chúa Cha[5]. Đức Giê-su chiến thắng ma quỷ bằng việc dựa vào Lời Chúa và tái khẳng định quyền ưu việt của Thiên Chúa. Chiến thắng của Chúa Giê-su trước kẻ cám dỗ trong hoang địa báo trước cuộc chiến thắng của cuộc khổ nạn, là sự vâng phục tuyệt đối trong tình yêu con thảo của Người đối với Chúa Cha[6]. Nơi cái chết và sự phục sinh của Người, Chúa Giê-su đã chiến thắng thế gian và bẻ gãy sự thống trị của ác thần. Đồng thời, “Bằng cuộc khổ nạn của Người, Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta khỏi Satan và tội lỗi. Người lập công cho chúng ta có sự sống mới trong Chúa Thánh Thần. Ân sủng của Người phục hồi những gì tội lỗi đã làm hư hỏng nơi chúng ta”[7].
Qua Đức Giê-su, Thiên Chúa đã thiết lập một giao ước mới bằng chính Máu của Ngài. Để từ đây, “Chính nhờ Người với Người và trong Người”, chúng ta được đón nhận trọn vẹn Ơn Cứu Độ và đi vào mối tương giao thân tình với Thiên Chúa. Giao ước mới thời Tân ước mang tính cách vĩnh viễn. Tuy nhiên, giao ước này chỉ thực sự trọn vẹn vào ngày cánh chung. Trong khi còn trông đợi ngày sẽ đến, chúng ta luôn cần tháp nhập vào với Đức Giê-su trong cuộc sống đời thường, để qua đó chúng ta tiếp nối công trình cứu chuộc của Người trong lịch sử của mỗi cá nhân.
Trung thành trong đời sống thánh hiến
Có thể nói, giữa một thế giới đề cao chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ và thực dụng, một xã hội coi nhẹ giá trị tình yêu và lòng trung tín thì con người càng dễ thay lòng đổi dạ. Ngay cả những người sống trong đời sống tu trì cũng bị lôi cuốn vào lối sống hưởng thụ, hướng chiều theo sự dễ dãi, suy nghĩ và lý luận theo thói thế tục, coi nhẹ việc hy sinh khổ chế, thờ ơ với bổn phận nên thánh, dẫn đến lỗi lời khấn một cách nghiêm trọng. Vì thế, đối với bản thân là một nữ tu ý thức mình còn nhiều yếu đuối của giới hạn con người, mỗi người cần bước vào cuộc chiến thiêng liêng để có thể chiến thắng những cám dỗ của thế gian mang lại.
Vũ khí quan trọng cho cuộc chiến thiêng liêng này trước tiên chính là việc trung thành trong đời sống cầu nguyện, nguyện ngẫm và chầu Thánh Thể. Đây có thể coi là chất dầu giúp cho lửa yêu mến Chúa luôn cháy sáng. Bên cạnh những giờ cầu nguyện thì những hình thức khổ chế cũng là một phương thức nâng đỡ vững vàng cuộc hành trình chân thực tiến đến sự thánh thiện. Trong tông huấn Đời sống Thánh hiến, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã dạy: “Khổ chế giúp chế ngự giác quan và sửa chữa những khuynh hướng của bản tính nhân loại đã bị tổn thương vì tội lỗi, khổ chế rất cần thiết để người tận hiến trung thành với ơn gọi của mình và bước theo Đức Giê-su trên đường thập giá”.[8] Khổ chế và hy sinh luôn là điều kiện tiên quyết của người môn đệ bước theo Chúa. Mặt khác, khổ chế còn mang tính tự nguyện, nhằm mục đích thông phần vào Thập giá Đức Ki-tô. Bởi chưng, chính Chúa Giê-su đã khẳng định: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Dó đó, bước theo Chúa là vác Thập giá đời mình qua những vất vả, những đau đớn bên ngoài và tâm tình vâng phục bên trong đối với thánh ý Thiên Chúa Cha. Ngang qua Thập giá, để tiến bước trên con đường hoàn thiện và không thể đạt được sự thánh thiện nếu không từ bỏ con người cũ bằng lối sống khổ chế hy sinh.
Sau cùng, sự trung thành của một người dâng hiến không thể đi ra ngoài Linh đạo, Đặc sủng và Sứ mạng ngang qua Hiến chương và Nội quy của Hội dòng. Hiến chương và Nội quy chính là tấm áo giáp bảo vệ giúp người thánh hiến luôn trung thành với giao ước tình yêu thánh hiến trong ngày khấn dòng. Như vậy, nhờ những yếu tố trên đây sẽ là những khí cụ hữu dụng giúp cho mỗi người, sống đời thánh hiến cam đảm lội ngược dòng, để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô. Đấng luôn đi bước trước để yêu thương và hằng trung tín.
Kết luận
Có thể nói, con người càng thấy mình giới hạn, tội lỗi và bất trung bao nhiêu thì càng cảm nghiệm sâu sắc tình yêu, lòng thương xót và rất mực trung tín của Thiên Chúa. Vị Thiên Chúa yêu thương và thành tín ấy cũng là vị Thiên Chúa của chúng ta. Vì thế, sống trong niềm xác tín này cũng là cơ hội giúp chúng ta “bắt đầu và lại bắt đầu”, nghĩa là không ngừng điều chỉnh bản thân, làm mới lại mỗi ngày để có thể sống trung tín trong đời sống dâng hiến của mình, hầu đạt được triều thiên vinh hiển mà Thiên Chúa đã hứa ban cho những người công chính và tín trung.
M. Minh
Học viện MTG Hà Nội
– – – – –
[1] ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Kinh Thánh 100 tuần, Tuần 20: Thần học sách Giô-suê và những liên hệ với Tân ước, https://www.youtube.com/watch?v=QQmBW1I- G- 8&list=PLBwPo9eKSEL3HkiJUXiSRTrZqm03SHyeD&index=20
[2] Phân khoa Thần học Giáo Hoàng Học viện Thánh Pi-ô X Đà Lạt-Việt Nam, Điển Ngữ Thần học Thánh Kinh IV, tr.413
[3] Ibid
[4] Phân khoa Thần học Giáo Hoàng Học viện Thánh Pi-ô X Đà Lạt-Việt Nam, Điển Ngữ Thần học Thánh Kinh IV, tr.414
[5] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo, số 566
[6] Ibid, 539
[7] Ibid, 1708
[8] ĐGH Gio-an Phao-lô II, Tông huấn đời sống Thánh hiến – Vita-Consecrata, Tiếp tục công trình của Chúa Thánh Thần: Trung thành trong đổi mới, số 38