Chuyên Mục Thánh Nhạc
Để tạo sự ổn định và thống nhất cho Thánh Nhạc Việt Nam, Ban Thánh Nhạc TGP xin giới thiệu tới quý Cha, quý vị phụ trách các Nhà thờ, Nhà nguyện, quý vị phụ trách Thánh ca trong Phụng vụ, các ca nhạc sĩ công giáo… một số quy định về Thánh nhạc.
Nội dung thông cáo số 1 gồm có:
1. Các bài Thánh ca được dùng khi cử hành Phụng vụ
2. Nhạc cụ dùng trong Phụng vụ
3. Huấn luyện về Thánh nhạc
Thông cáo số 1 được cố Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa ban hành vào ngày 24 tháng 9 năm 1994. Mặc dù ra đời từ lâu nhưng vẫn còn nguyên giá trị, bởi lẽ thông cáo dựa trên những huấn thị của Toà thánh về Thánh nhạc.
Dưới đây là nội dung của toàn bộ Thông cáo số 1.
THÔNG CÁO SỐ 1
CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM VỀ THÁNH NHẠC
[1] Sự ủy nhiệm của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam
Theo những huấn thị của Tòa Thánh
Sau khi đã hội ý với một số chuyên viên.
Nay xin thông báo tới quý Cha, quý vị phụ trách các nhà thờ, nhà nguyện, quý vị phụ trách Thánh ca trong Phụng vụ, các ca nhạc sĩ Công giáo… một số quy định về Thánh nhạc như sau:
1. Các bài Thánh ca được dùng khi cử hành Phụng vụ
[2] Theo luật định, chỉ những bài Thánh ca đã có chuẩn nhận của Giáo quyền địa phương mới được hát khi cử hành phụng vụ. Do đó, để việc ca hát trong phụng vụ được tốt đẹp hơn:
a) Xin quý Cha, quý vị phụ trách các nhà thờ, nhà nguyện chỉ cho phép sử dụng trong phụng vụ những bài hát đã được giáo quyền chuẩn nhận.
b) Các nhạc sĩ đã hoặc sẽ sáng tác những bài hát mới, kể cả những bài đã được phổ biến nhưng chưa được chuẩn nhận, nếu muốn dùng trong phụng vụ, phải gởi về Tòa Giám Mục của Giáo phận mình để xin chuẩn nhận.
Tưởng cũng lưu ý: trước khi gởi tác phẩm xin chuẩn nhận, các nhạc sĩ nên duyệt lại để bài hát đạt được hai đặc tính cơ bản mà Ðức Piô X đã đề ra (Tự Sắc Tra le Sollecitudini) và được Hiến chế Phụng Vụ số 112 cũng như Huấn Thị về Thánh nhạc trong Phụng Vụ số 4 nhắc nhở:
– Thánh thiện, nên phải loại bỏ yếu tố trần tục.
– Hình thức hoàn mỹ, có tính nghệ thuật đích thực cao cả về nhạc lẫn lời, đáp ứng những đòi hỏi về chuyên môn và những quy định của Giáo Hội.
“Thiếu đặc tính này, nó không thể đưa tâm hồn người nghe đạt tới công hiệu mà Giáo Hội nhắm tới khi dùng nghệ thuật âm thanh trong phụng vụ” (Ðức Piô X).
c) Vị phụ trách Thánh nhạc mỗi Giáo phận, sau khi duyệt và trình Ðức Giám Mục chuẩn nhận, sẽ thông báo kết quả lại cho tác giả và giữ lại một bản để lưu trữ.
Nếu có thể, xin gởi một bản sao về Giám Mục phụ trách Thánh nhạc (22, Trần Phú Nha Trang hoặc qua địa chỉ liên lạc: Linh mục Kim Long, Ðại Chủng Viện Thánh Giuse số 6, Tôn Ðức Thắng, Quận 1, thành phố HCM) để tiện việc tham khảo cho các Giáo phận khác và để phổ biến sau này.
d) Nếu giáo phận nào chưa cử người phụ trách hoặc không có người đủ khả năng chuyên môn thì Tòa Giám Mục đó có thể gởi về các địa chỉ trên để ủy thác công việc chuẩn nhận này.
2. Nhạc cụ dùng trong Phụng vụ
[3] Từ lâu Giáo Hội vẫn quý trọng và đề cao việc dùng đại phong cầm (cũng gọi là đàn ống) trong phụng vụ. Âm thanh của loại đàn này làm tăng “vẻ huy hoàng cho các lễ nghi lại có hiệu lực nâng cao tâm trí lên cùng Chúa và những sự trên trời.” Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, ta vẫn có thể dùng những nhạc cụ khác “Tùy theo sự phán đoán và phê chuẩn của thẩm quyền địa phương, miễn là đã hoặc có thể thích hợp để dùng vào việc Thánh, xứng đáng với vẻ tôn nghiêm của Thánh đường và thực sự giúp cảm hóa các tín hữu” (PV số 120).
[4] Trong khi chờ đợi những quy định cụ thể của HÐGM, cần lưu ý và thi hành ngay những điều sau đây:
a) Tiếng hát trong phụng vụ chiếm ưu thế nên luôn phải rõ ràng, các nhạc cụ khác chỉ là đệm theo nên “không bao giờ được lấn át tiếng hát” (Tự sắc Tra le Sollecitudini, số 16). Không được vuốt tay trên các phím đàn, nhất là organ và piano.
b) Chúng ta có thể dùng organ điện tử (synthesizer) trong phụng vụ, nhưng:
– Những nút “điệu” chỉ nhắm dùng cho sinh hoạt đời. Do đó, không nên dùng trong phụng vụ. Tuy nhiên, có thể dùng lúc luyện tập để quen giữ đúng nhịp.
– Phải lựa chọn các nút âm thanh thích hợp với Thánh ca (ví dụ organ, violin…), tránh dùng những âm thanh xa lạ với phụng tự vì sẽ gây chia trí hơn là giúp cầu nguyện.
– Khi xử dụng các nhạc khí như organ điện tử, guitare, dàn trống, dàn kèn, dàn nhạc hoà tấu… không được dùng các điệu Jazz và các điệu phát xuất từ đó để đệm cho người hát khi cử hành phụng vụ 1. Vì các điệu này hầu hết đều có tính cách kích động, huyên náo… có thể thích hợp với các sinh hoạt khác nhưng bất xứng với nơi thánh.
– Các hội kèn đồng (kèn tây) khi dùng trong phụng vụ hoặc trong các cuộc rước có liên quan, không được hoà tấu những bản nhạc đời, nhạc thời trang…
– Tránh dùng các nhạc cụ đặt trong nhà thờ để luyện tập các bản đời. Thật không hay gì khi qua một nhà thờ mà từ trong nghe vọng ra những bài Valse, những “lá thư tình,” “dưới ánh trăng,” hay “love story”…
3. Huấn luyện về Thánh nhạc
[5] Ðể phát triển và nâng cao ngành Thánh nhạc: “Phải chú trọng đến việc huấn luyện và thực tập âm nhạc trong các chủng viện, các tập viện cũng như các học viện của các Dòng tu nam, nữ” (PV 115). Xin các Giáo phận, tùy hoàn cảnh, cố gắng tổ chức các khóa huấn luyện Thánh nhạc cho ca trưởng, người điều khiển cộng đoàn khi hát, người đánh và đệm đàn, người sáng tác, ca viên… để những người làm công việc cao quý này có khả năng hoàn hảo hơn hầu phục vụ có hiệu quả hơn. Trong chương trình huấn luyện, cần quan tâm đến những quy luật Phụng vụ liên quan đến Thánh nhạc… Nơi nào cần được yểm trợ về tài liệu hoặc nhân sự, xin liên lạc qua những địa chỉ nêu trên.
Giáo phận hay Dòng tu nào có điều kiện nên cử người đi học Thánh nhạc ở nước ngoài, nhất là tại viện Thánh nhạc Rôma.
Những quy định trên đây cần xúc tiến thi hành ngay để tạo sự ổn định và nhất thống cho Thánh Nhạc Việt Nam.
Nha Trang, ngày 24 tháng 9 năm 1994
Phaolô Nguyễn Văn Hòa
Giám Mục Giáo Phận Nha Trang
Ðặc Trách Thánh Nhạc HÐGM Việt Nam