
Giữa một thế giới đầy biến động và xô bồ của cuộc sống hiện đại, dường như con người ngày càng xa rời khoảng lặng trong tâm hồn – nơi nuôi dưỡng bình an và gặp gỡ Đấng Tạo Hóa. Chính trong giây phút cầu nguyện trầm lắng bên Chúa là cơ hội để con người đối diện và tiêu hóa những thất bại nếu có, để nhìn lại và rút ra bài học cho chính mình. Trong bài viết này, người viết không có tham vọng đi tìm một định nghĩa về cầu nguyện hay một tìm hiểu thấu triệt mang tính khoa học nhưng xin được gửi nơi đây những chia sẻ nho nhỏ.
Cầu nguyện là gặp gỡ, trò chuyện, kết hợp thân tình với Thiên Chúa như cha với con, bạn với bạn. Một mối thông giao hiện sinh và là tương quan tình yêu. Hiểu như thế, cầu nguyện có thể ví như hơi thở của đời sống làm người, làm con Chúa, làm bạn hữu với Chúa. Bạn không thể thiếu hơi thở. Một vài giây thiếu hơi thở, bạn đã vô cùng khó chịu, có ngưng thở giỏi lắm cũng chỉ được một phút. Ấy vậy, sự cầu nguyện cũng không thể thiếu dù một ít giây, thiếu hơn nữa thì đời sống nội tâm của bạn sẽ có nguy cơ chết yểu.
Ta từng nghe nhiều người than phiền rằng: mình chẳng biết cầu nguyện. Nhiều người rơi vào tình trạng khô khan, nhàm chán việc đọc kinh hằng ngày và cho rằng mình đã chán ngấy việc cầu nguyện. Quả là sai lầm khi nói: “Tôi chẳng biết cầu nguyện!” hoặc “tôi chán ngấy cầu nguyện!” Có ai trong con cái loài người nói rằng: “Tôi chẳng biết sống, tôi chẳng biết hít thở” hay “tôi đã chán ngấy việc hít thở”,… Nói như thế cũng đồng nghĩa với việc chán sống rồi.
Nếu hơi thở và sự sống tự nhiên, tự động đến mức quen thuộc, lắm lúc người ta không để ý tới thì cầu nguyện cũng tự nhiên và tự động như thế. Vì lẽ, cầu nguyện là sống tình con thảo, sống tình bạn hữu với Thiên Chúa. Ta không cần biết cầu nguyện thế nào, vì tự sức con người không thể biết được nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho ta bằng những tiếng rên siết khôn tả (Rm 8, 26). Nếu ta biết tỏ tường cầu nguyện như thế nào thì đó không còn là cầu nguyện nữa mà là một mớ lý thuyết. Cầu nguyện là “sống động và hiện hữu” trong Chúa. Sống là huyền nhiệm, không thể tách chia, mổ xẻ để hiểu. Mọi thực tại ‘sống’ đều ‘động’ và hiện hữu. Bất cứ ai có tham vọng mổ xẻ thực tại sống đều có nguy cơ biến thực tại sống thành thực tại chết, thực tại động thành thực tại tĩnh, hiện tại thành quá khứ.
Cầu nguyện là sống giây phút hiện tại với Thiên Chúa là Cha, với Chúa Con là bạn hữu. Nhiều người lầm tưởng cầu nguyện là rề rà một mớ kinh kệ cho nên họ cảm thấy cầu nguyện là cái gì đó nặng nề, phải chu toàn và khi làm những điều ấy, nhiều người vẫn làm cho qua chuyện, làm chiếu lệ, khiến mọi sự trở nên cứng nhắc, vô hồn. Cầu nguyện tự bản chất chẳng vô hồn, cứng nhắc như người ta nghĩ. Ai sống tình con thảo với Thiên Chúa thì nếm được mọi chiều kích dài rộng cao sâu của tình mến. Ai sống kết hợp thân tình với Đức Ki-tô như bạn hữu trăm năm, trọn đời của mình thì nếm được huyền nhiệm của lòng yêu mến. Cầu nguyện chính là yêu mến, yêu nhiều và yêu tất cả. Ai chưa yêu thì chưa nếm được sự cầu nguyện. Đúng như câu nói của Thánh Au-gút-ti-nô: “Hãy yêu rồi làm”, vì chưa cảm nghiệm được chiều kích ngọt ngào của đức mến nên quả là khô khan, vô hồn khi đến với cầu nguyện.
Nếu đức mến khôn dò thấu thì cầu nguyện cũng phong phú nhường ấy. Nếu đức mến bản chất hoạt động không mức độ như thánh Bê-na-đô quả quyết: “Mức độ của yêu mến là yêu mến không mức độ”, thì mức độ của cầu nguyện cũng phải là vô biên vô tận và không ngừng. Nếm được lòng mến thì đi vào cầu nguyện sẽ cảm được vị ngọt lịm vô cùng và luôn muốn ở lại, luôn muốn tăng thêm giờ cầu nguyện. Vì cầu nguyện là sống tình con thảo với Thiên Chúa là Cha và sống tình bạn với Đức Ki-tô nên cầu nguyện vô cùng sinh động. Lúc bấy giờ, cầu nguyện không còn dừng lại ở giây phút nào nữa mà là mọi lúc, cũng không còn dừng lại ở chỗ nào nhất định nữa mà là mọi nơi.
Tất nhiên, đọc kinh phụng vụ là cầu nguyện, tham dự thánh lễ là cầu nguyện, chu toàn bổn phận hằng ngày là cầu nguyện, nhưng không chỉ dừng lại ở một hai việc mà có thể gọi là cầu nguyện. Nếu thánh giáo phụ I-rê-nê khẳng định rằng: “Con người sống chính là vinh quang Thiên Chúa”, thì cũng có thể nói từng giây từng phút ta sống tình yêu hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn với Thiên Chúa chính là cầu nguyện. Thánh Phao-lô cũng minh định điều này như sau: “Dù ăn, dù uống hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10, 31). Tôn vinh Thiên Chúa như thế chính là cầu nguyện.
Vậy nên, cầu nguyện là huy động toàn bộ con người gồm mọi năng lực: trí khôn, linh hồn, sức lực, trái tim…toàn bộ đời sống, toàn bộ thời gian ta có; tất cả mọi tương quan, mọi hành động; kể cả sự hiện hữu, toàn bộ không gian ta có cả bên ngoài lẫn nội tâm, huy động tất cả như thế hướng về Chúa với lòng yêu mến chính là sự cầu nguyện trọn hảo. Tất nhiên, đó là sự cố gắng trong tín thác chứ không phải cố gắng thuần túy của ý chí, vì mọi nỗ lực duy ý chí chỉ nhận được sự thất bại. Cầu nguyện không phải là việc của con người mà là việc của thần linh, việc của Chúa Thánh Thần. Thế nên, nỗ lực lớn nhất của đời ta là để cho Chúa Thánh Thần thi hành chức năng của mình nơi cuộc đời của ta trong việc cầu thay nguyện giúp trước nhan Thiên Chúa.
Ngày xưa, bản thân người viết tưởng nghĩ sự cầu nguyện chỉ là đọc kinh thật nhiều nên có những ngày chu toàn vô số kinh, đọc mấy chục ngàn lời nguyện tắt. Nhưng khi chu toàn như thế, bản thân vẫn chưa biết phải cầu nguyện thế nào cho phải. Dĩ nhiên, việc đọc kinh, ca hát ngợi khen Chúa là điều tốt. Nhưng điều quan trọng bậc nhất là bản thân có biết để tất cả tâm lực của mình vào những việc phụng tự tốt đẹp ấy không. Khi bản thân dồn hết sức mình vào việc thờ phượng chung thì dù có hát hay đọc kinh thì vốn dĩ đã đang thưa chuyện với Chúa là Cha rồi. Như vậy, mới đúng ý nghĩa của một giờ kinh. Vì lẽ làm gì thì làm nhưng điều quan trọng nhất vẫn là kết hợp mật thiết với Thiên Chúa.
Nhiều lúc người viết tự hỏi: Giờ này Chúa đang hiện diện ở đây, chẳng lẽ mình cứ đọc kinh mãi mà không để ý lắng nghe, tâm sự với Chúa, Chúa ngồi đó muốn nói chuyện với mình. Thế nên, mẹ Giáo Hội quả khôn ngoan khi sắp xếp giờ kinh phụng vụ: Có lúc hát, lúc đọc, lúc thinh lặng, lúc cầu xin để rồi có thể tạo mọi tư thế sẵn sàng của một người con thảo với Thiên Chúa là Cha, với Đức Ki-tô là bạn hữu.
Nếu hiểu cho đến nơi đến chốn thì trong cầu nguyện có rất nhiều điều để làm: ngồi bên chân Chúa mà lắng nghe lời Chúa như cô Ma-ri-a, điều này làm hài lòng Chúa hơn cả. Đang khi ở bên Chúa, đang khi nghe lời Chúa, trước hết lòng mình thấm nhuần Lời Chúa, lòng mình được biến đổi. Bản thân càng ý thức biến đổi đời sống tận căn thì việc cầu nguyện của mình càng sâu sắc ý nghĩa. Khi ở bên Chúa như thế, nhận được sự hiện diện của Chúa thì nhiệm vụ của cá nhân là nhớ đến cộng đoàn, gia đình, Giáo Hội và toàn thể nhân loại. Nhiệm vụ của mỗi người cầu nguyện là trở thành chiếc máng theo gương Chúa Giê-su và mẹ Ma-ri-a, cùng các Thánh để chuyển thông ơn Thánh Chúa cho mọi người. Ta không thể chỉ ở bên Chúa tận hưởng hạnh phúc ngọt ngào của tình yêu đang khi chứng kiến sự cùng khốn của mọi anh em mình đang phải lao đao vất vả giữa đường đời.
Đó là lý do tại sao con người cầu nguyện phải là con người luôn biết sẵn sàng lên đường, xông pha trong mọi công việc phục vụ những người bé mọn, vì Chúa đã khẳng định: Con làm như thế cho một trong những kẻ bé mọn nhất của Ta đây là làm cho chính Ta vậy. Đó là công việc mà Mác-ta đã làm, dù vất vả nhưng là phục vụ chính Chúa. Đó cũng là ý nghĩa trọn vẹn của cầu nguyện chiêm niệm và cầu nguyện hoạt động trong ý nghĩa động của tình yêu.
T.A.Y