
Khi tôi ngồi viết những dòng suy tư này, có lẽ phần lớn các nạn nhân trong vụ lật tàu tại Vịnh Hạ Long chiều ngày 19/7/2025 đã được đưa về an nghỉ nơi quê nhà – nơi họ đã sinh ra, lớn lên, và cũng là nơi ôm trọn thân xác họ trong vòng tay của lòng đất mẹ. Nhưng những gì còn ở lại, là tiếng khóc nghẹn ngào của người thân, là nỗi đau âm ỉ và khôn nguôi của những trái tim tan nát, là sự ám ảnh hằn sâu trong ký ức của những người sống sót – những chứng nhân của một bi kịch vừa mới diễn ra như một cơn ác mộng giữa đời thực.
Tôi ngồi lặng bên Nhà Tạm, trước Thánh Thể Chúa – Đấng đã từng nếm trải trọn vẹn nỗi đau con người, lòng tôi cũng nghẹn lại. Mỗi lời kinh Mân Côi tôi dâng lên chiều nay như thấm đẫm nước mắt. Tôi nhớ đến những gương mặt, những phận người, những giấc mơ dang dở, và cả những hy vọng chưa kịp nở hoa… Họ ra đi trong một chuyến đi tưởng chừng tràn ngập tiếng cười, niềm vui, và sự háo hức – một hành trình được ấp ủ từ bao ngày vất vả, từ những đồng tiền chắt chiu với hy vọng mang lại cho người thân một trải nghiệm đáng nhớ giữa non nước Hạ Long hùng vĩ.
Nhưng họ đã không trở về.
Thân xác họ được vớt lên, để lại sau lưng những chiếc ghế trống, những đôi dép lẻ loi, và căn nhà không còn ánh đèn sáng. Không ai có thể hình dung rằng buổi sáng ấy lại là buổi sáng cuối cùng, rằng bước chân lên con tàu kia lại là bước vào chuyến hành trình vĩnh viễn không trở lại.
Đau đớn biết bao khi một gia đình trẻ thuộc Giáo xứ Hà Hồi – một gia đình Công giáo – gồm cha, mẹ và hai bé trai kháu khỉnh, cũng đã bị cướp mất sinh mạng. Hình ảnh 4 chiếc quan tài đặt trong Vườn Thánh Giáo xứ Hà Hồi, khiến người ta không khỏi quặn lòng. Những tiếng gào thét xé tan bầu không khí tang thương: “Trả lại con? Trả lại cháu cho tôi?…” Những lời oán thán trong vô vọng vang lên như chất chứa toàn bộ sự bất lực của con người trước cái chết quá đỗi phũ phàng. Ai có thể trả lời được? Ai có thể lau khô những giọt nước mắt đang không ngừng rơi?
Tôi còn nhớ rõ – vào trưa ngày thứ Bảy hôm ấy, một người chị ở Hòn Gai gửi cho tôi những hình ảnh đầu tiên của cơn bão Wipha: bầu trời nhuộm màu xám chì, cây cối gãy đổ, mưa giăng trắng xóa. Và rồi không đầy một giờ sau, tin tức dội về: một chiếc tàu du lịch với 49 hành khách đã bị lật trên Vịnh, trong đó chỉ có 10 người sống sót, còn lại 36 người đã qua đời và 3 người hiện đang mất tích. Tôi sững sờ. Tay cầm điện thoại mà tim như thắt lại. Chỉ cách đó vài ngày, tôi cũng đã bước lên một con tàu giống như thế – khi trời trong, mây biếc, gió nhẹ. Tôi còn nhớ cảm giác an toàn, vững chãi, làm sao có thể ngờ rằng nó cũng có thể nghiêng ngả, rồi bị sóng gió nuốt chửng chỉ trong tích tắc?
Phải chăng, đó chính là bản chất của kiếp người: mong manh và bất định, như lời bài hát “Mỏng manh kiếp người” của Lm. Hải Đăng
“Phận người phù vân tựa những bông hoa nở mai sớm tàn. Cuộc đời trần gian như bao cơn gió thoảng qua mất rồi!”
Chúng ta – những con người nhỏ bé, tưởng rằng có thể kiểm soát được mọi hành trình, đoán trước mọi rủi ro, nhưng lại hoàn toàn bất lực trước cái chết. Dù khoa học có phát triển đến đâu, thì vẫn không ai trong chúng ta biết được mình sẽ chết khi nào và chết cách nào. Giữa thời đại văn minh này, cái chết vẫn là dấu hỏi lớn, là ranh giới giữa những gì con người hiểu và những gì chỉ Thiên Chúa mới thấu tỏ.
Trong thinh lặng, tôi thầm thốt lên: “Lạy Chúa, xin là sức mạnh của con!”
Như lời Thánh Vịnh xưa từng khẩn cầu:
“Chúa là nơi con nương tựa, là thành lũy bảo vệ con, là Đấng giải thoát con giữa cơn nguy biến.”
Nguyện xin Chúa là Cha nhân từ đón nhận linh hồn các nạn nhân vào cõi trường sinh, nơi không còn nước mắt, không còn đớn đau, nơi “mọi sự cũ đã qua đi” (Kh 21,4). Xin Người cũng ủi an những người còn sống – cha mẹ mất con, con thơ mất cha mẹ, anh em, bạn bè mất nhau, để họ tìm được sức mạnh trong lời kinh, trong tình người, và trong ân sủng Thiên Chúa.
Chuyến tàu cuối cùng ấy – dù đầy tang thương – nhưng hy vọng cũng là chuyến tàu mở ra một hành trình mới: hành trình của Đức Tin, của Tình Yêu, và của Niềm Hy Vọng.
Tg: Sr. Trang Anna