
“Cuộc đời cũng giống như một hành trình trên biển của lịch sử, thường là tối tăm và sóng gió. Hẳn nhiên, Đức Giê-su là ánh sáng đúng nghĩa, là mặt trời loé lên giữa tăm tối của lịch sử. Nhưng để đi đến với Người, chúng ta cần đến những ánh sáng gần gũi, những con người mang lại ánh sáng lấy từ ánh sáng của Người và cống hiến cho chúng ta sự định hướng cho chuyến đi”...
Đây là những lời Đức Bê-nê-đíc-tô XVI đã viết trong thông điệp Spe salvi – Niềm hy vọng Ki-tô Giáo, số 49 khi nói về Đức Ma-ri-a. Và đúng như nhận định trên, hơn 2000 năm qua Đức Ma-ri-a đã được biết đến như một “ngôi sao hy vọng” dẫn đến với Đức Ki-tô.
Ngôi sao hy vọng ấy không chỉ là một “dấu chỉ hy vọng” tạm bợ, lóe lên rồi vụt tắt. Nhưng “Mẹ là dấu chỉ hy vọng chắc chắn, an toàn vượt lên trên những hy vọng tự nhiên để đạt tới đức Trông Cậy tuyệt đối” (Signum spei). Trong cuộc sống, niềm hy vọng tự nhiên biểu hiện ở thái độ lạc quan, tích cực, luôn khao khát hướng tới những điều tốt đẹp trong tương lai. Còn nơi Đức Mẹ, một đức cậy vững vàng thể hiện ở thái độ kiên tâm, bền bỉ trong thử thách xuất phát từ lòng tin tưởng, phó thác tuyệt đối vào thánh ý Thiên Chúa.
Cả cuộc đời Mẹ là một chuỗi những bước hy vọng. Người gặp thử thách đầu tiên trong việc đón nhận thánh ý Thiên Chúa – cộng tác vào chương trình cứu độ, đón Ngôi Hai Thiên Chúa vào cung lòng không theo cách tự nhiên. Bước chân hy vọng này không hoàn toàn là kết quả của sự hiểu biết từ lý trí con người mà xuất phát từ niềm tin sâu sắc Mẹ đặt nơi Thiên Chúa. Người không hiểu sao có thể thụ thai và sinh hạ trong khi không biết gì đến việc vợ chồng. Nhưng bằng lòng tin tưởng nơi thánh ý Chúa, Mẹ đã thưa “xin vâng”. Người phó thác: “Xin Chúa cứ làm cho” và tin tưởng vững vàng nơi “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1, 26-55).
Những bước tiếp theo như đi trong mịt mù. Nhưng chưa thấy Mẹ một lần có ý định từ bỏ thánh ý Thiên Chúa. Hy vọng ở nơi Mẹ không dừng lại ở sự chấp nhận thụ động nhưng đã trở thành một hành trình đổi mới trong đức tin. Những thử thách bước chân hy vọng tỏ lộ ngày một rõ qua lời cụ Si-mê-on tiên báo về lưỡi gươm sẽ đâm thâu. Hài Nhi mà Mẹ cưu mang giờ đây trở thành “dấu hiệu cho người đời chống báng”. Lời hứa về người Con Đấng Tối Cao được lãnh vương quyền vua Đa-vít và trị vì nhà Gia-cóp đến muôn thuở đã dần tan thành từng mảnh. Nhưng Mẹ đã “suy đi nghĩ lại”. Người kiên định tìm thánh ý Chúa trong những mảnh đau khổ. Đây là một biểu hiện phó thác của đức cậy: không từ bỏ mà vẫn kiên tâm tin tưởng, tìm kiếm ngay khi hy vọng đang dần vụt tắt.
Hành trình đức cậy của Mẹ tiếp tục tiến triển lên tới đỉnh cao trong từng bước thương khó của Chúa Giê-su. Lời hứa ban đầu đã nhạt nhòa trong những gì Mẹ chứng kiến. Chúa Giê-su sẽ được gọi là Đấng Tối Cao, nhưng giờ đây Ngài đang chết trong sự ô nhục. Ngài chẳng ngồi trên ngai vàng của Đa-vít trị vì nhà Gia-cóp mà đã bị từ chối và bị đuổi khỏi thành; bị bắt, bị đánh đòn, bị sỉ nhục, bị chết trong thân phận một kẻ tội nhân. Mức độ thử thách của Chúa Giê-su lớn lao bao nhiêu niềm hy vọng của Đức Mẹ cũng bị thử thách bấy nhiêu. Dưới chân thập giá, khi Đức Giê-su tắt hơi thở, Mẹ đã không sụp đổ. Trong Mẹ, tại giây phút tưởng chừng không còn gì để hy vọng lại là lúc hy vọng bừng sáng mãnh liệt nhất. Chính trong đêm tối mịt mù nhất, ánh sáng của ngôi sao hy vọng lại tỏ bày rạng ngời nhất. Vì sao vậy?
Vì trên đỉnh Gô-gô-tha đức cậy của Mẹ đã neo chặt vào Thánh Giá Đức Ki-tô. Đây là bài học thẳm sâu nhất của đức cậy mà Người dạy chúng ta.
Chính sự tuyệt vọng nhất đã xé toang bức màn che để thấy rõ đức trông cậy của Mẹ Ma-ri-a không neo đậu vào những gì thuộc về thực tại trần gian nhưng hoàn toàn neo chặt vào thực tại vĩnh cửu. Mỏ neo đức cậy của Mẹ không neo vào thập giá, vào sự chết ô nhục và xấu hổ nhưng neo vào Thánh Giá có Đức Ki-tô đóng đinh, là ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại cũng là bảo chứng vững chắc của đức cậy trông.
Giữa một thế giới biết bao cám dỗ đang dẫn chúng ta đi tới chán nản và tuyệt vọng về chính mình hay về những người xung quanh. Và biết bao tình cảnh không mong chờ khiến chúng ta bị tê liệt, muốn khước từ cuộc sống. Cũng như bao câu hỏi muôn thuở không có hồi kết về tội lỗi, sự dữ và đau khổ, chúng ta cần đến những ánh sáng hy vọng phát ra từ đức cậy trông của Đức Ma-ri-a: Mẹ sáng chói như dấu chỉ của niềm hy vọng vững chắc và niềm an ủi cho dân lữ hành của Thiên Chúa”. (Gaudium et Spes, số 64)
Đặc biệt, trong Năm Thánh Hy Vọng này, tất cả những người lữ khách giữa biển đời trần gian có thể nương theo ánh sáng cậy trông của Đức Ma-ri-a để đi tới ánh sáng cứu độ là Đức Giê-su Ki-tô. Ước mong sao, mỗi người chúng ta luôn tâm niệm trong lòng ánh sao hy vọng của Đức Mẹ để con đường chúng ta đi dù dày đặc bóng đêm vẫn là một con đường mang tên của Hy Vọng.
“Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp.
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.
Ðường hy vọng do mỗi chấm hy vọng.
Ðời hy vọng do mỗi phút hy vọng”.
(ĐHY FX Nguyễn Văn Thuận, Đường hy vọng, số 978)
De An
Học viện MTG Hà Nội