Sứ vụ của tu sĩ trong thời đại mới

Sứ vụ của tu sĩ trong thời đại mới

Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ ” (Mt 28,19). Lời mời gọi của Đức Giê-su hơn hai ngàn năm trước vẫn vang vọng trong Giáo hội hôm nay, nhắc nhở mỗi người Ki-tô hữu về sứ mạng loan báo Tin Mừng. Quả thật, sứ vụ này không chỉ dành riêng cho Giáo Hoàng hay hàng giáo phẩm mà là bản chất sống động của Hội Thánh.[1] Đặc biệt, với người tu sĩ, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là lý tưởng cao cả. Nhưng giữa một thế giới đầy biến động như hiện nay, ta cần đánh thức thế giới bằng cách nào? Phải chăng chính đời sống của mỗi người là lời chứng hùng hồn nhất về sự hiện diện của Đức Ki-tô trong thời đại này?

1. Chứng tá qua lời nói yêu thương

Người ta thường nói: “Hương của hoa bay theo chiều gió, hương nhân đức vượt gió khắp tung bay”. Giữa một thế giới ồn ào, giữa những trào lưu của công nghệ số và sự lên ngôi của chủ nghĩa thực dụng. Điều gì có thể đánh thức con người hôm nay? Có phải những ngôn từ hoa mỹ hay những giáo huấn sắc bén mới có thể lay động lòng người? Không! Chính sự thánh thiện trong từng lời nói mới là tiếng vang mạnh mẽ nhất và cũng là một chứng tá sống động để chúng ta loan báo Tin Mừng.

Trước hết, đối với tu sĩ, việc thực thi sứ mạng qua lời nói vừa là con đường nên thánh vừa là công cụ hữu ích trong công cuộc loan báo Phúc Âm. Hơn nữa, xã hội hôm nay, hầu như ai cũng biết nói nhưng để nói đúng và mang tính xây dựng không phải ai cũng làm được. Chúng ta mất ba năm để học nói nhưng phải mất cả đời để học nói lời yêu thương. Đôi khi, có những lời nói nhẹ nhàng mà thâm độc giết chết một con người,  hay tử tình bạn[2]. Đáng buồn thay, môi trường mạng xã hội hiện đang trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho những lời thoá mạ, công kích lẫn nhau. Đó là sự tụt dốc của con người ngày nay trong văn hoá giao tế. Xã hội sẽ đi về đâu khi con người không biết trân trọng lời phát ngôn của mình? Những mầm non tương lai của Giáo hội và xã hội sẽ tiếp nối thế nào, khi nền móng nhân bản không được xây trên nền tảng đạo đức luân lý? Và người thợ lành nghề sẽ ra gieo hạt giống thế nào khi con người đang có nguy cơ tụt dốc về nhân bản?

Bên cạnh đó, tu sĩ phải ý thức rằng, làm chứng cho Chúa không chỉ bằng những lời rao giảng, mà còn bằng chính đời sống và lời nói của mình. Nếu lời nói của chúng ta không phản ánh sự thánh thiện, thì đời thánh hiến có gì để dâng lên Chúa? Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã khẳng định: “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui[3]. Do đó, đời dâng hiến phải trở nên dấu chỉ niềm vui ơn cứu độ – một niềm vui đích thực với trái tim luôn ca hát ngợi khen tình yêu Thiên Chúa. Như vậy, chúng ta nói về Chúa không chỉ bằng lý thuyết,  mà bằng lời yêu thương và cử chỉ huynh đệ. Một lời nói chân thành có thể nối kết mọi người xích lại gần nhau, xoa dịu những vết thương và trở thành nhịp cầu dẫn đến niềm hy vọng trong tương lai. Khi lời nói tràn đầy yêu thương, đó cũng là lúc chúng ta phản chiếu khuôn mặt của Đức Ki-tô một cách rõ nét nhất. Vì thế, hãy sống sao cho “lời nói của tôi là quà tặng của Thiên Chúa dành cho tha nhân[4]. Dẫu vậy, lời nói yêu thương thôi chưa đủ. Để thực sự trở thành chứng nhân Tin Mừng, chúng ta cần làm chứng qua đời sống bác ái. Chính sự hòa quyện giữa lời nói chân thành và hành động yêu thương mới là minh chứng mạnh mẽ nhất về một Đức Ki-tô sống giữa thế gian[5].

2. Chứng tá qua đức ái

Chứng nhân không chỉ cốt ở việc kiên trì trung thành với đức tin khi đối diện với cái chết, mà còn ở một lối sống thấm đượm đức ái. Đức ái, linh hồn của truyền giáo – đó là sứ điệp được Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI nhắc tới nhân ngày thế giới truyền giáo năm 2006. Ngài nói: “Nếu truyền giáo không được hướng dẫn bởi đức ái, nghĩa là không bắt nguồn từ một hành động sâu sắc bởi tình yêu Thiên Chúa, thì có nguy cơ giảm thiểu hoạt động truyền giáo vào công việc từ thiện xã hội.[6]”.Cũng trong Tông huấn Vita Consecrata, Đức Gio-an Phao-lô II đã khẳng định: “Phục vụ người nghèo là một hành động truyền giảng Phúc Âm, và đồng thời đóng ấn trung tín với Tin Mừng và mời gọi hoán cải thường xuyên[7] Với lời mời gọi này, người tu sĩ được mời gọi ra khỏi vùng an toàn để đến với người nghèo bằng cả trái tim, tình mến và sự cảm thông. Thiên Chúa cần đôi tay, đôi chân, đôi tai, đôi mắt, trái tim của các tu sĩ để Người đi đến với những con người bất hạnh[8].

Người nghèo là ai? Họ là người bị bỏ rơi bên lề xã hội, là thành phần ít được tôn trọng và nhìn tới. Giữa dòng đời, vẫn có những mạnh thường quân sẵn sàng giúp đỡ người nghèo, còn tu sĩ, chúng ta đã làm gì? Chúng ta có dám sống trọn vẹn lời dạy của Chúa?“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Ngài còn nhấn mạnh: đức ái Ki-tô giáo không chỉ giới hạn ở những người thân cận hay người yêu thương mình, nhưng được mở rộng đến tất cả mọi người, nhất là những người nghèo khổ. “Nếu anh em chỉ yêu thương những kẻ yêu thương mình thì nào có công trạng gì? Ngay cả những người thu thuế cũng làm như thế sao?” (Mt 5, 46).

Chính vì thế, là những người sống đời thánh hiến, chúng ta cần ý thức mình chính là cánh tay nối dài của Chúa nơi trần gian. Muốn chu toàn sứ vụ ấy, chúng ta không còn cách nào khác ngoài việc đào luyện cho mình một trái tim biết yêu thương, một tâm hồn nhạy bén trước nỗi đau của tha nhân. “Yêu thương chính là cây cầu đưa ta đến gần Chúa và gần anh em hơn. Thật vậy! một việc tưởng đơn giản mà thường bị lãng quên, một việc tưởng dễ mà lại khó thực hiện. Nếu chúng ta không ý thức được tầm quan trọng của đức ái, liệu rằng sứ vụ truyền giáo có thể lan tỏa đến những người xung quanh? Người ta sẽ nghĩ gì khi lời chúng ta rao giảng lại trái ngược với những gì chúng ta sống?

Có lẽ, sống đức ái một cách cụ thể bằng những hành động yêu thương chân thành, chính là món quà lớn nhất mà con người có thể trao tặng cho nhau trong cuộc sống này.

3. Chứng tá qua đời sống cầu nguyện

Có một bạn trẻ tâm sự rằng: Năm nào tại các Giáo phận cũng có linh mục truyền chức, dòng tu nào cũng có những tân khấn sinh. Như vậy, số linh mục và tu sĩ tăng. Vậy tại sao số người theo đạo vẫn rất hạn chế, thay vào đó số người bỏ đạo và ly dị ngày càng nhiều? Câu hỏi ấy đặt ra một nghịch lý đáng suy ngẫm giữa sự gia tăng số lượng linh mục và tu sĩ với thực trạng suy giảm đức tin của người tín hữu…Chúng ta nghĩ sao trước lời chia sẻ này? Có lẽ lời nhận định của bạn trẻ là tiếng chuông đánh thức người tu sĩ nhìn lại chính chính mình trong sứ vụ truyền giáo.

Phải chăng chúng ta truyền giáo nhưng chưa thực sự loan báo hết mình? Khi khởi đầu hành trình rao giảng tại mảnh đất Pa-lét-tin, Chúa Giê-su luôn cầu nguyện và trong cầu nguyện Ngài tìm được thánh ý của Thiên Chúa Cha. Cũng vậy, Thánh Gio-an Ma-ri-a Vi-an-ney và Mẹ Tê-rê-sa Cal-cut-ta luôn đặt đời sống cầu nguyện lên hàng đầu trước khi bắt tay vào sứ vụ của mình. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của cầu nguyện trong sứ vụ tông đồ. “Hãy ra khỏi bản thân mình để loan báo Tin mừng, nhưng để làm điều này, các con phải ra khỏi chính mình để gặp gỡ Đức Giêsu.” Đức cố Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận cũng chia sẻ: “Nếu con không cầu nguyện, chẳng ai tin con làm việc vì Chúa đâu”[9].

Như vậy, để trở nên người thợ lành nghề trong cánh đồng truyền giáo, tu sĩ cần có một đời sống cầu nguyện sâu sắc. Cầu nguyện không chỉ là kinh nghiệm thiêng liêng quý giá mà còn là bằng chứng hùng hồn về việc loan báo Tin Mừng. Lời nói thôi chưa đủ, chính đời sống kết hợp mật thiết với Chúa mới có sức mạnh biến đổi và làm chứng cho những gì tu sĩ rao giảng[10]. Có thể những kiến thức và công nghệ hiện đại mang đến cho con người nền văn minh nhưng không mang đến niềm vui và hạnh phúc đích thực cho con người. Chỉ có lời cầu nguyện sẽ là sợi dây nối kết và là điểm hẹn gặp gỡ để truyền tải và lan truyền niềm vui Tin Mừng đến cho mọi nơi, mọi thời.

Hãy siêng năng cầu nguyện, vì cầu nguyện là phương thế hữu hiệu nâng đỡ đời sống tông đồ. Quả thật, nếu thiếu cầu nguyện, tu sĩ sẽ dễ gặp thử thách trong hành trình loan báo Phúc Âm. Trước hết, họ có thể vô tình đặt mình làm trung tâm của sứ điệp thay vì loan báo trọn vẹn về Đức Ki-tô. Kế đến, sứ vụ dễ biến thành một công việc mang tính dịch vụ làm để lấy công, khiến cho mục đích cao cả trở thành phương tiện. Sau cùng, thiếu nền tảng cầu nguyện, người tu sĩ có nguy cơ bị gục ngã trước những xu thế thời đại và đánh mất tình yêu thuở ban đầu.

Ngược lại, khi biết nối kết với Chúa bằng đời sống cầu nguyện, người tu sĩ sẽ biết dừng đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ, đúng với bậc sống của mình. Họ biết dùng các phương tiện để đạt đến mục đích tối hậu là chính Thiên Chúa và biết lấy chính đời sống của mình làm chứng tá, giúp nhân loại nhận diện được khuôn mặt của Đức Ki-tô đang sống[11]. Hơn nữa, cầu nguyện chính là vũ khí giúp người tu sĩ bền chặt trong lý tưởng đời tu. Thật vậy, lời cầu nguyện tuy nhẹ nhàng mà sâu lắng, âm thầm mà mãnh liệt, thoang thoảng mà thấm sâu, rất đơn sơ mà lại lan tỏa được nhiều hơi ấm. Đặc biệt, lời cầu nguyện có thể vượt qua được không gian và thời gian, kết nối con người với nhau. Và chẳng có gì có thể thay đổi được thánh ý Thiên Chúa qua lời cầu nguyện. Vì thế, hãy kiên tâm bền chí để nhờ sức mạnh vạn năng nơi lời cầu nguyện, người tu sĩ  sẽ trở thành công cụ hữu ích trong việc loan báo Tin Mừng cho mọi người trong xã hội hôm nay.

Đáp lại lời mời gọi canh tân của Giáo hội và định hướng của Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II trong Tông thư: Tiến về ngàn năm thứ ba. Người tu sĩ được thôi thúc ra đi, sống chứng tá Tin Mừng giữa muôn dân bằng chính đời sống của mình. Thật vậy, đời dâng hiến chỉ có ý nghĩa khi được thánh hóa qua lời nói chân thành, lòng bác ái và đời sống cầu nguyện. Nếu thiếu những điều đó, chúng ta còn gì để thánh hiến cho Chúa? Xin cho từng bước chân, từng lời nói của chúng ta khi đến với tha nhân trở thành món quà tình yêu của Thiên Chúa, góp phần gieo niềm hy vọng cho mọi người. Với niềm tin ấy, chúng ta xác tín rằng mọi cố gắng và nỗ lực sẽ được Thiên Chúa chúc phúc, để cùng với Ngài và trong Ngài, chúng ta cùng nhau xây dựng một mùa xuân mới trên cánh đồng truyền giáo”[12].

                                                                                                                                        DH

– – – – –

[1] Lm Phêrô Đinh Ngọc Lâm, CSsR, Sứ Vụ Học, Tp HCM, 2017, tr. 36

[2] Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên, Cảm Mến Tri Ân, Lưu hành nội bộ

[3] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, Rôma, 2013

[4] Tập Viện – Hội Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, Châm Ngôn Sống Tháng 10/ 2021

[5] Lm Nguyễn Văn Hào, Thư Phao-lô, Lưu hành nội bộ

[6] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy ban Loan báo Tin mừng, Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Ngày Thế Giới Truyền Giáo Năm 2006 – Đức Ái, Linh Hồn Của Truyền Giáo, 01/10/2006

[7] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata, số 82

[8] Nt. Maria Đào Phượng, OP, Tu Sĩ Sống Hiệp Thông Với Chúa, Với Các Thánh Và Với Dân Chúa Trong Giáo Hội Hiệp Hành, 09/05/2024

[9] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Một “Mùa Xuân” Truyền Giáo Trong Giáo Hội, 30/10/2019

[10] Samuel H. Canilang, Hiệp Thông Và Truyền Giáo Trong Đời Sống Thánh Hiến, Dịch giả: Giuse Đinh hữu Thoại, Nxb Tôn giáo, tr. 52

[11] Nữ tu, Cêcilia Trần Thị Thanh Hương, Tình Yêu Phi Thường, Nxb. Phương Đông, tr. 513-516

[12] Nhóm Bạn Đường Linh Thao, Ý Cầu Nguyện Của Đức Giáo Hoàng, Tháng Truyền Giáo, 10/2019

 

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)