
Đường phố vào buổi sớm thật yên bình, trong lành và khoai thai đến lạ. Chiếc xe ôtô đang tìm cách quay đầu để lùi vào phía trong cổng thì không hiểu sao một cơn mưa rào từ đâu ập tới khiến cho việc vận chuyển đồ đạc và hành lí của chúng tôi trở nên khó khăn hơn nhiều. Cứ tưởng điều đó sẽ làm tâm lí của mọi người trùng xuống. Nhưng không! Dường như những hạt mưa tội nghiệp kia lại chẳng được mấy người chúng tôi quan tâm cho lắm. Có lẽ bởi niềm háo hức: Lạng Sơn vẫy gọi đã khiến mọi người bỏ qua tất cả. Và đoàn chúng tôi vẫn lên đường đúng như dự kiến.
Con đường đi lên xứ Lạng cũng khá dài nên trò chuyện một hồi tôi quay sang ngủ thiếp lúc nào không hay. Đang lơ mơ thì thấy các chị hô: Đến nơi rồi! Tôi vội choàng dậy, loay hoay xỏ dép, lấy đồ thì đã thấy các chị kháo nhau: Đức Cha Kiệt kìa! Tôi cầm vội cái túi rồi nhanh chóng chạy xuống cho kịp kẻo bị lỡ cơ hội gặp ngài. Nhưng chao ôi! Đó chỉ là bức tượng tạc hình ngài đang kéo chiếc chuông cổ dưới một gốc cây nhãn đã sinh nhật 400 tuổi và bây giờ vì thời gian nó chỉ còn lại một nửa thân hình. Tương truyền rằng, để ghi nhớ công ơn Đức cha xây dựng ngôi nhà thờ Chính tòa này nên họ đã tạc bức tượng đó.
Nếu nói không biết gì về Lạng Sơn thì cũng không đúng vì đây là lần thứ hai tôi có dịp trở lại vùng đất sơn cước này. Nhưng nếu lần trước tôi đến đây với sự hiếu thắng của một sinh viên chỉ thích khám phá và trải nghiệm những miền đất mới thì lần này tôi trở lại đây với một tâm thế hoàn toàn khác. Tôi muốn đi tìm để “biết”… Bởi từ xưa tới nay, tôi vẫn luôn tự cho mình là may mắn được đi đây đi đó, biết được điều này điều kia. Tính lại thích quan sát và có chút tò mò nên đi đến đâu tôi cũng hay hỏi han để mong muốn biết thêm được nhiều điều. Nhưng sau những ngày tĩnh tâm tại Tòa Giám mục Lạng Sơn về tôi đã ngộ ra được một điều: Thực chất, những gì tôi “biết” còn quá ít!
Đứng giữa sân, tôi thật sự bất ngờ với một giao diện hoàn toàn mới của Tòa Giám mục so với mười mấy năm trước. Những tòa nhà không quá cao nhưng rất khang trang và sạch sẽ. Khuôn viên xung quanh được bày trí bằng những cây lớn, bé đủ các tuổi. Đặc biệt, ngôi nhà thờ Chính tòa được thiết kế theo kiến trúc nhà sàn của người dân tộc kết hợp với bộ mái cong kiểu cung đình mang đậm bản sắc vùng miền nơi đây. Tất cả đều rất hài hòa tạo nên một không gian thật thánh thiêng giữa núi rừng Đông Bắc.
Thích nhất là những buổi chiều đi dạo quanh khuôn viên nhà thờ dưới những hàng cây “không tuổi”. Không hẳn vì nó rộng rãi và sạch sẽ mà dưới những làn gió nhè nhẹ của núi rừng nó khiến cho tâm hồn con người ta dễ kết hợp với Đấng Tạo Hóa, cảm giác như A-đam và E-và khi xưa chiều chiều đi dạo với Chúa vậy.
Xin phép được bỏ qua những bài giảng của cha giảng phòng không phải vì nó không ra gì bởi nó thật sự rất hay và ý nghĩa vô cùng. Nhưng nếu tôi kể hết ở đây thì e rằng đến ngày mai cũng chưa xong. Thay vào đó, tôi muốn nói về những con người nơi miền đất xứ Lạng này. Phải nói, họ thật sự rất đơn sơ và dễ thương. Từ Đức cha, quý cha, quý thầy, quý sơ, các em thiếu nhi,… tất cả đều rất vui vẻ và thân thiện. Mặc dù chưa gặp nhau bao giờ nhưng họ tiếp đãi chúng tôi như những người đã quen từ trước. Đúng như câu Lời Chúa được đặt ở dưới nhà cơm: “Anh em không còn là người xa lạ nhưng là NGƯỜI NHÀ của Thiên Chúa” (Ep 2,19).
Đặc biệt, có một hình ảnh thực sự đã ‘chạm’ đến tôi mà chắc có lẽ rất hiếm khi nếu không muốn nói là chưa bao giờ tôi thấy ở giáo phận nhà. Đó là hình ảnh quý thầy đeo tạp dề đứng nấu ăn và bưng bê phục vụ bữa ăn cho chúng tôi trong suốt kỳ tĩnh tâm. Những món ăn rất ngon và hợp khẩu vị khiến ai trong chúng tôi cũng phải gật gù, tấm tắc. Có những thầy đến bữa rồi mà vẫn thấy quần áo lấm lem trông giống như một bác nông dân vừa ngoài đồng về hơn là một thầy tu. Thì ra, thầy vừa ở ngoài vườn về cho gà và heo ăn. Điều lạ là tất cả các thầy đều làm việc một cách rất vui vẻ. Tôi cứ thắc mắc điều gì đã khiến các thầy làm được chuyện đó? Phải chăng vì phận vụ?… Nhưng sau những ngày hiện diện ở đây và quan sát tôi mới phát hiện ra: Chính tinh thần truyền giáo đã làm nên con người nơi đây như thế.
Được biết, Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng là một giáo phận rất nhỏ xét về con số giáo dân. Tỷ lệ lương dân áp đảo với nhiều dân tộc, nhiều bản sắc văn hóa khác nhau, phân tán trên một địa bàn vùng núi phức tạp và rộng lớn. Nguồn lực lại quá khiêm tốn, rất mong manh cả về nhân sự lẫn kinh tế. Vì thế, những thợ gặt nơi đây cũng phải mang trong mình những nét khác hơn, đặc biệt là tinh thần phục vụ, sự dấn thân và nhiệt huyết tông đồ.
Tôi chợt nhớ đến các vị thừa sai xưa kia đã hy sinh rời bỏ quê hương xứ sở mình để đem Tim Mừng đến cho người dân đất Việt để giờ đây quý cha, quý thầy, quý sơ nơi đây cũng đang tiếp nối tinh thần đó – dành trọn cuộc sống của mình để trao ban kho tàng đức tin cho những con người nơi mảnh đất này. Có lẽ vì thế mà khi coi sóc Giáo phận Lạng Sơn, Đức nguyên Tổng Giám mục Giu-se Ngô Quang Kiệt đã viết một cuốn sách rất hay với tựa đề “Ai lên xứ Lạng” mà thấy lòng nao nao muốn thưa: “Dạ, có con đây!”
Tôi thầm tạ ơn Chúa và tri ân mẹ Hội dòng đã cho tôi có được những cảm nhận rất riêng trong những ngày tĩnh tâm nơi vùng đất mới này. Và đặc biệt được “biết” hơn về một Giáo phận mà theo như lời Đức cha Giu-se Châu Ngọc Tri nói: “Tiền Đồn Truyền Giáo” của Giáo hội Việt Nam – nơi cần tập trung những tinh binh tông đồ cho việc sống chứng nhân và loan báo Tin Mừng.
Ước mong mỗi chúng ta cũng hãy góp phần nhỏ bé của mình trong cánh đồng truyền giáo bằng chính khả năng của mình theo như lời Đức cố Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã kêu gọi: Hãy trở thành “những nhà truyền giáo hy vọng giữa mọi dân tộc”.
Têrêxa nhỏ