
Cuộc đời con người luôn đan xen giữa đau khổ và hy vọng. Có những lúc ta cảm thấy như đang bước đi trong bóng tối của thất bại, bệnh tật, mất mát và thử thách. Nhưng chính trong những khoảnh khắc đó, ánh sáng Phục Sinh mời gọi ta nhìn về một chân lý cao cả hơn, một mầu nhiệm siêu việt hơn: phải trải qua đau khổ mới đạt đến vinh quanh. Không có Thứ Sáu Tuần Thánh thì cũng sẽ không có Chúa Nhật Phục Sinh. Và Năm Thánh 2025 chính là thời gian đặc biệt mời gọi chúng ta suy tư về mầu nhiệm này.
Nhìn vào cuộc khổ nạn của Đức Giê-su, ta nhận ra Người không né tránh đau khổ nhưng đã đón nhận và biến đổi nó bằng tình yêu và sự phó thác trọn vẹn vào Chúa Cha. Trong vườn Giệt-sê-ma-ni, Người đã lo sợ đến mức đổ mồ hôi máu, nhưng vẫn thưa: “Lạy Cha, nếu có thể, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha” (Mt 26,39). Trên Thập giá, Người chịu đau đớn tột cùng nhưng vẫn tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Trước khi tắt hơi thở cuối cùng, Người phó thác tất cả cho Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Cuộc khổ nạn của Đức Giê-su đã cho tất cả chúng ta một bài học quan trọng: Đau khổ không có tiếng nói cuối cùng, vì sau ba ngày, Người đã sống lại trong vinh quang.
Trong cuộc sống, có khi nào chúng ta rơi vào những khoảnh khắc giống như Đức Giê-su? Chúng ta cũng có những Thứ Sáu Tuần Thánh của riêng mình? Đó là khi đối diện với bệnh tật; đó là khi mất đi một người thân yêu; đó là khi gặp những thất bại trong cuộc sống;… Người đau bệnh có thể cảm thấy bất lực nhưng nếu phó thác cuộc đời mình cho Chúa, họ có thể tìm thấy ý nghĩa ngay trong chính đau khổ của mình. Mất đi một người thân yêu, ta có thể chìm trong đau buồn nhưng sự Phục Sinh nhắc ta rằng, sự chết không phải là kết thúc và ta sẽ gặp lại những người mình yêu thương trên quê Trời. Khi thất bại, ta cảm thấy mọi cánh cửa đóng lại nhưng có thể chính những đau khổ này lại là bước chuẩn bị để Chúa dẫn ta vào một con đường mới tốt đẹp hơn.
Thật thế, cuộc sống của chúng ta luôn có những khoảng u ám như vậy nhưng rồi một tia sáng sẽ bừng lên giúp ta lấy lại nghị lực và bước tiếp. Sự sống mới lúc nào cũng nảy sinh và Thánh Thần chưa bao giờ thôi hoạt động. Trên những sườn núi đá khô cằn, ta vẫn thấy những cành hoa dại vươn lên; Nơi những sa mạc khô cháy ta vẫn thấy những ốc đảo xanh rì bóng má;… Những dấu hiệu tự nhiên đó phần nào cho ta thấy quyền năng của Thiên Chúa vượt trên mọi sự. Có Chúa tất cả sẽ bình an.
Thánh Phao-lô đã nói: “Tôi coi mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi” (Pl 3,8). Nghĩa là khi có Chúa, mọi đau khổ sẽ có ý nghĩa và ta có thể vượt qua trong niềm hy vọng. Niềm hy vọng ấy càng hiển hiện trong Năm Thánh 2025 – Năm Thánh của niềm hy vọng. Đây là khoảng thời gian đặc biệt để mỗi người xét lại đời sống, quay về với Chúa và đón nhận ơn tha thứ. Nếu Phục Sinh là sự khởi đầu mới sau đau khổ thì niềm hy vọng vào Đức Ki-tô là chìa khóa để con người bước ra khỏi những “nấm mồ” của tội lỗi, sợ hãi để sống trong ánh sáng hạnh phúc đích thực.
Sự Phục Sinh của Đức Ki-tô khẳng định rằng, đau khổ không có tiếng nói cuối cùng mà sự sống và vinh quanh mới là đích đến. Năm Thánh là thời gian thuận tiện để ta đổi mới đời sống, bước ra khỏi bóng tối để tiến vào ánh sáng yêu thương của Thiên Chúa. Như lời thiên thần nói với các phụ nữ bên mộ Chúa: “Các bà đừng sợ! Người không ở đây đâu, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói” (Mt 28,5-6). Ước gì ánh sáng của ngày Phục Sinh gia tăng sức mạnh để chúng ta dám vượt thắng con người yếu đuối của mình để cùng với Đức Ki-tô, chúng ta cũng được sống lại trong vinh quang của Người.
Têrêsa Pi-ô