Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 1/5/2024, Đức Thánh Cha đã chia sẻ với các tín hữu hiện diện tại đại thính đường Phaolô VI về nhân đức tin, là một trong ba nhân đức đối thần. Ngài mời gọi các tín hữu, giống như các môn đệ trên thuyền giữa bão táp, hãy hướng về Chúa Giêsu mỗi ngày và cầu xin Người: “Lạy Chúa, xin gia tăng đức tin cho chúng con!” (Lc 17,5).
Sách Giáo lý dạy rằng nhờ đức tin, chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta, và tự do phó thác chính mình hoàn toàn cho Thiên Chúa (x. số 1814).
Trong bài giáo lý, Đức Thánh Cha đã trình bày một số gương mẫu đức tin đã được thuật lại trong Kinh Thánh. Trước hết là tổ phụ Ápraham, rồi đến ông Môsê và Đức Trinh Nữ Maria, những người đã dấn thân vào những con đường chưa được khám phá, đầy rẫy hiểm nguy, trong khi phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. Đức Thánh Cha cũng nhắc rằng ngay cả giữa những người có đức tin, cũng có những lúc đức tin có thể lung lay và nỗi sợ hãi xâm chiếm. Do đó chúng ta phải nhớ rằng đức tin là một hồng ân, một hồng ân phải được cầu xin với lòng tin tưởng vào sức mạnh ân sủng của Thiên Chúa để mang lại sự ổn định và sức mạnh cho cuộc sống của chúng ta.
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu, giống như các môn đệ trên thuyền giữa bão táp, hãy hướng về Chúa Giêsu mỗi ngày và cầu xin Người: “Lạy Chúa, xin gia tăng đức tin của chúng con!” (Lc 17,5).
Vào đầu buổi tiếp kiến các tín hữu cùng lắng nghe đoạn Tin Mừng Thánh Gioan (9,35-38):
Khi gặp lại [người mù mà ngài đã chữa cho thấy lại được], Đức Giêsu hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?” Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” Đức Giêsu trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây”. Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin”. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.
Và Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay tôi muốn nói về nhân đức đức tin. Cùng với đức ái và đức cậy, nhân đức này được gọi là nhân đức “đối thần”. Ba nhân đức đối thần là: tin, cậy và mến. Tại sao các nhân đức này được gọi là nhân đức đối thần? Bởi vì chúng ta chỉ có thể sống các nhân đức này nhờ hồng ân của Thiên Chúa. Ba nhân đức đối thần này là những hồng ân cao cả mà Thiên Chúa ban cho năng lực luân lý của chúng ta. Không có các nhân đức này, chúng ta có thể khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ, nhưng chúng ta sẽ không có đôi mắt nhìn được ngay cả trong bóng tối, chúng ta sẽ không có trái tim yêu thương ngay cả khi nó không được yêu, chúng ta sẽ không có một niềm hy vọng dám chống lại mọi niềm hy vọng.
Các gương mẫu đức tin trong Kinh Thánh
Đức tin là gì? Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo giải thích cho chúng ta rằng đức tin là hành vi qua đó con người tự do phó thác chính mình cho Thiên Chúa (số 1814). Trong đức tin này, ông Ápraham là người cha vĩ đại. Khi chấp nhận rời bỏ mảnh đất của tổ tiên để hướng tới vùng đất mà Thiên Chúa đã chỉ cho ông, có lẽ ông đã bị cho là điên rồ: tại sao lại bỏ cái đã biết vì cái chưa biết, điều chắc chắn vì điều không chắc chắn? Nhưng ông Ápraham lên đường, như thể ông đã nhìn thấy điều không thấy. Và chính điều không rõ về tương lai này sẽ khiến ông đi lên núi cùng với con trai mình là Isaac, người con trai duy nhất của lời hứa, người con mà chỉ được thoát khỏi bị hiến tế vào giây phút cuối cùng. Với đức tin này, ông trở thành cha của một dòng dõi lâu đời.
Ông Môsê là một người có đức tin khi, đón nhận tiếng gọi của Thiên Chúa ngay cả khi nhiều mối nghi ngờ có thể khiến ông lay động, ông đã tiếp tục kiên định và tin tưởng vào Chúa, và thậm chí còn bảo vệ dân tộc rất thường thiếu đức tin.
Đức Trinh Nữ Maria là một người phụ nữ có đức tin khi, đón nhận lời loan báo của Thiên thần, điều mà nhiều người có thể coi là quá đòi hỏi và mạo hiểm, Mẹ đã trả lời: “Này tôi là tôi tớ Chúa: xin hãy thực hiện cho tôi như lời ngài phán” (Lc 1,38). Với trái tim tràn đầy tin tưởng vào Thiên Chúa, Đức Maria dấn thân trên con đường mà Mẹ không biết về nó và không biết cả những nguy hiểm.
Đức tin là nhân đức làm nên người Kitô hữu
Đức tin là nhân đức làm nên người Kitô hữu. Bởi vì là Kitô hữu trên hết không phải là chấp nhận một nền văn hóa, với những giá trị đi kèm với nó, nhưng là Kitô hữu nghĩa là đón nhận và duy trì sự liên kết, một sự liên kết với Thiên Chúa: Thiên Chúa và tôi; con người tôi và khuôn mặt đáng yêu của Chúa Giêsu. Sự liên kết này là điều làm cho chúng ta trở thành Kitô hữu.
Kẻ thù lớn nhất của đức tin là sự sợ hãi
Nói về đức tin, chúng ta nhớ đến một đoạn trong Tin Mừng. Các môn đệ của Chúa Giêsu đang băng qua hồ và bất ngờ gặp bão tố. Họ nghĩ rằng họ có thể vượt qua bằng sức mạnh của đôi tay, bằng kinh nghiệm, nhưng con thuyền bắt đầu bị tràn nước và họ hoảng sợ (xem Mc 4,35-41). Họ không nhận ra rằng họ đã có giải pháp trước mắt: Chúa Giêsu ở đó với họ trên thuyền, giữa cơn bão, và đang ngủ. Cuối cùng, sợ hãi và thậm chí tức giận vì Chúa có thể để họ bị chết, họ đánh thức Người dậy; Chúa Giêsu trách họ: “Sao các con sợ? Các con vẫn chưa có đức tin sao?” (Mc 4,40). Do đó, kẻ thù lớn nhất của đức tin: không phải là trí thông minh, không phải là lý trí, như một số người tiếp tục lặp lại một cách ám ảnh, nhưng kẻ thù lớn nhất của đức tin là sự sợ hãi.
Cần cầu xin ơn đức tin hằng ngày
Vì lý do này, đức tin là ơn đầu tiên được đón nhận trong đời sống Kitô hữu: một ơn phải được đón nhận và cầu xin hàng ngày, để nó được canh tân trong chúng ta. Rõ ràng đây là một ơn sủng nhỏ nhưng là thiết yếu. Khi chúng ta được đưa đến giếng rửa tội, sau khi tuyên bố tên đã chọn cho chúng ta, cha mẹ chúng ta được linh mục hỏi: “Anh chị em xin Giáo Hội của Thiên Chúa điều gì?”. Và họ trả lời: “Thưa tôi xin đức tin, phép rửa tội!”.
Đối với các cha mẹ Kitô giáo, ý thức được ân sủng đã được ban cho mình, đó cũng là ân sủng họ cầu xin cho con cái mình: đức tin. Với đức tin, cha mẹ biết rằng ngay cả giữa những thử thách của cuộc sống, con mình sẽ không chìm trong sợ hãi. Như vậy, kẻ thù là sự sợ hãi. Họ cũng biết rằng khi đứa con không còn cha mẹ ở trần gian này thì sẽ tiếp tục có Thiên Chúa Cha ở trên trời, Đấng sẽ không bao giờ bỏ rơi con họ. Tình yêu của chúng ta thật mong manh, chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới chiến thắng được cái chết.
“Lạy Chúa, xin gia tăng đức tin của chúng con”
Tất nhiên, như Thánh Tông đồ nói, đức tin không phải của tất cả mọi người (xem 2 Tx 3:2), và ngay cả chúng ta, những người có đức tin, cũng thường nhận ra rằng mình có rất ít đức tin. Chúa Giêsu thường khiển trách chúng ta, như Người đã khiển trách các môn đệ, là “những người kém đức tin”. Nhưng đó là món quà hạnh phúc nhất, nhân đức duy nhất mà chúng ta được phép ghen tị. Bởi vì những ai có đức tin đều có sức mạnh không chỉ của con người; thực ra, đức tin “kích hoạt” ân sủng trong chúng ta và mở tâm trí hướng đến mầu nhiệm của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã từng nói: “Nếu các con có đức tin bằng hạt cải, các con có thể nói với cây dâu này: ‘Hãy nhổ rễ đi mà trồng xuống biển’, nó sẽ vâng lời các con” (Lc 17,6). Vì thế, cả chúng ta, cũng như các môn đệ, hãy lặp lại với Người: Lạy Chúa, xin gia tăng đức tin của chúng con! (xem Lc 17,5). Đây là một lời cầu nguyện thật đẹp! Tất cả chúng ta cùng nhau nói điều đó? “Lạy Chúa, xin gia tăng đức tin của chúng con”. “Lạy Chúa, xin gia tăng đức tin của chúng con”. Cảm ơn anh chị em.
Vào cuối buổi tiếp kiến, sau khi chào các tín hữu thuộc một số nhóm ngôn ngữ, Đức Thánh Cha đã cùng các tín hữu hát Kinh Lạy Cha bằng tiếng Latinh và sau đó ngài ban phép lành cho tất cả mọi người.
Nguồn: Vatican News