Tiếp kiến chung 15/01/2025 – Đừng đồng lõa với tệ nạn bóc lột trẻ em

Tiếp kiến chung 15/01/2025 - Đừng đồng lõa với tệ nạn bóc lột trẻ em

Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 15/1/2025, nói về tệ nạn bóc lột trẻ em, Đức Thánh Cha nói rằng bất kỳ sự lạm dụng nào đối với trẻ em cũng là vi phạm điều răn của Chúa. Ngài kêu gọi đừng đồng lõa với tệ nạn bóc lột trẻ em. Ngài mời gọi mỗi người tự hỏi xem mình có thể làm gì một cách cụ thể để chăm sóc và bảo vệ trẻ em đang phải chịu đựng hoặc có nguy cơ rơi vào mạng lưới lạm dụng và bóc lột?

Trong bài giáo lý tại buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 15/1/2025, Đức Thánh Cha tiếp tục suy tư về trẻ em. Đức Thánh Cha nhắc lại rằng trong Phúc Âm, Chúa Giê-su nói về tầm quan trọng của việc bảo vệ, chào đón và yêu thương những trẻ nhỏ, đồng thời lưu ý rằng ngày nay trên thế giới có hàng triệu trẻ em bị buộc phải trưởng thành trước tuổi.

Đức Thánh Cha nói rằng trẻ em phải trả giá cho nạn nghèo đói, cho việc thiếu các công cụ xã hội để hỗ trợ các gia đình và tình trạng bấp bênh của việc làm. Ngài mời gọi thức tỉnh lương tâm, thể hiện sự gần gũi và liên đới với các trẻ vị thành niên bị lạm dụng. Bất kỳ hình thức lạm dụng trẻ em nào cũng đều vi phạm các điều răn của Chúa. Do đó cần phải nâng cao nhận thức, lên án những hành vi tàn bạo này và cùng nhau xây dựng những nơi chốn an toàn để trẻ em có thể lớn lên khỏe mạnh và hạnh phúc.

Bắt đầu buổi Tiếp kiến, cộng đoàn cùng nghe đoạn Tin Mừng Thánh Mát-thêu (18, 1-3.6):

Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. […] Nhưng ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn”.

Sau đó, Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong buổi tiếp kiến chung lần trước chúng ta đã nói về các trẻ em. Hôm nay chúng ta cũng sẽ nói về các trẻ em. Tuần trước, chúng ta tập trung vào cách Chúa Giê-su, trong hoạt động của Người, đã nhiều lần nói về tầm quan trọng của việc bảo vệ, chào đón và yêu thương những người bé nhỏ nhất.

Mọi hình thức lạm dụng trẻ em đều vi phạm giới răn của Chúa

Tuy nhiên, ngay cả ngày nay, trên thế giới vẫn còn hàng trăm triệu trẻ vị thành niên, mặc dù chưa đủ tuổi để tuân thủ các nghĩa vụ của người trưởng thành, vẫn bị buộc phải làm việc và nhiều em phải làm những công việc đặc biệt nguy hiểm. Chưa kể đến tình trạng các bé trai bé gái bị buôn bán làm nô lệ cho nạn mại dâm hoặc khiêu dâm và hôn nhân cưỡng bức. Điều này thật cay đắng. Thật không may, trong xã hội của chúng ta, trẻ em bị ngược đãi và đối xử bất công bằng nhiều cách. Lạm dụng trẻ em, dưới bất kỳ hình thức nào, đều là hành vi đê hèn và tàn bạo. Nó không chỉ đơn thuần là một tệ nạn xã hội và một tội ác; nó là hành vi vi phạm rất nghiêm trọng các điều răn của Chúa. Không một đứa trẻ nào phải bị ngược đãi. Ngay cả một trường hợp cũng đã là quá nhiều.

Cần phải đánh thức lương tâm của chúng ta

Do đó, cần phải đánh thức lương tâm của chúng ta, thực hành sự gần gũi và liên đới cụ thể với trẻ em và thanh thiếu niên bị lạm dụng, đồng thời xây dựng lòng tin tưởng và sự hợp tác giữa những người dấn thân cung cấp cho các em cơ hội và nơi an toàn để lớn lên trong bình an. Tôi biết có một nước ở Châu Mỹ Latinh, nơi có một loại trái cây đặc biệt, được gọi là arandano [giống một loại dâu rừng]. Để hái loại trái này chúng ta cần những bàn tay mềm mại và họ bắt các trẻ em làm việc này, họ biến chúng thành nô lệ làm công việc thu hoạch.

Những lý do khiến trẻ em bị bóc lột sức lao động

Tình trạng nghèo đói lan rộng, thiếu các công cụ xã hội hỗ trợ gia đình, tình trạng bị gạt ra bên lề ngày càng tăng trong những năm gần đây cùng với tình trạng thất nghiệp và mất an ninh việc làm là những yếu tố khiến thế hệ trẻ phải trả giá đắt nhất. Ở các thành phố lớn, nơi sự chia rẽ xã hội và suy thoái đạo đức gây ảnh hưởng xấu, có những trẻ em tham gia vào việc buôn bán ma túy và các hoạt động bất hợp pháp đa dạng nhất. Chúng ta đã chứng kiến ​​bao nhiêu trẻ em trở thành nạn nhân bị hiến tế! Đôi khi, thật bi thảm khi các em bị buộc phải trở thành “kẻ hành quyết” những bạn đồng trang lứa, cũng như tự làm tổn hại đến chính mình, phẩm giá và nhân tính của các em. Nhất là, khi trên đường phố, trong khu phố giáo xứ, những cuộc sống bị đánh mất này hiện ra trước mắt chúng ta, chúng ta thường ngoảnh mặt làm ngơ.

Ở đất nước tôi cũng có một trường hợp như vậy, một cậu bé tên Loan đã bị bắt cóc và không ai biết cậu bé ở đâu. Và một trong những giả thuyết là cậu bé bị gửi đi để lấy nội tạng từ cậu để cấy ghép. Và người ta làm điều này, anh chị em biết rõ điều này. Một số người trở về với vết sẹo, một số người chết. Đây là lý do tại sao hôm nay tôi muốn tưởng nhớ cậu bé tên Loan.

 Chống bóc lột trẻ em là cách xây dựng tương lai tốt hơn

Thật khó để chúng ta thừa nhận sự bất công xã hội đẩy hai trẻ em, có thể là cư dân của cùng một khu phố hoặc một tòa nhà chung cư, đi theo những con đường và số phận hoàn toàn trái ngược nhau, chỉ vì một trong hai em sinh ra trong một gia đình khó khăn. Một sự rạn nứt không thể chấp nhận được giữa con người và xã hội: giữa người có thể mơ ước và người phải dập tắt ước mơ. Nhưng Chúa Giêsu muốn tất cả chúng ta được tự do và hạnh phúc; và nếu Người yêu thương mọi người nam nữ như con của Người, thì Người cũng yêu thương các trẻ em bằng tất cả sự dịu dàng của trái tim Người. Vì vậy, Người yêu cầu chúng ta dừng lại và lắng nghe nỗi đau khổ của những người không có tiếng nói, những người không được giáo dục. Chống nạn bóc lột, đặc biệt là bóc lột trẻ em, là con đường chính để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho toàn xã hội. Một số quốc gia đã khôn ngoan viết về các quyền trẻ em. Anh chị em hãy tìm trên internet xem đâu là các quyền của trẻ em.

Đừng tiếp tay cho tình trạng bóc lột trẻ em

Và do đó chúng ta có thể tự hỏi: tôi có thể làm gì? Trước hết, chúng ta phải nhận ra rằng nếu muốn xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em, chúng ta không thể tiếp tay cho tình trạng này. Và chúng ta tiếp tay cho tệ nạn này khi nào? Ví dụ khi chúng ta mua những sản phẩm sử dụng lao động trẻ em. Làm sao tôi có thể ăn và mặc khi biết rằng đằng sau những thức ăn hoặc bộ quần áo đó là những đứa trẻ bị bóc lột, phải làm việc thay vì được đến trường? Nhận thức về những gì chúng ta mua là bước đầu tiên để tránh trở thành kẻ đồng lõa. Hãy xem chúng là sản phẩm đến từ đâu. Một số người cho rằng, với tư cách cá nhân, chúng ta không thể làm được nhiều. Đúng vậy, nhưng mỗi người chúng ta có thể là một giọt nước, cùng với nhiều giọt nước khác, có thể trở thành biển cả. Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc nhở các tổ chức, bao gồm cả các tổ chức của Giáo hội, và các doanh nghiệp về trách nhiệm của họ: họ có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách chuyển hướng đầu tư của mình sang các công ty không sử dụng hoặc không cho phép sử dụng lao động trẻ em. Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã ban hành luật và chỉ thị chống lao động trẻ em, nhưng chúng ta vẫn có thể làm được nhiều hơn nữa. Tôi cũng kêu gọi các nhà báo hãy làm phần việc của mình: họ có thể giúp nâng cao nhận thức về vấn đề này và tìm ra giải pháp. Anh chị em đừng sợ; hãy lên án những điều này.

Là tiếng nói cho các trẻ em

Và tôi cảm ơn tất cả những ai không ngoảnh mặt làm ngơ khi thấy trẻ em bị ép phải trở thành người lớn quá sớm. Chúng ta hãy luôn ghi nhớ lời Chúa Giê-su: “Bất cứ điều gì các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Thánh Têrêsa thành Calcutta, một người thợ vui vẻ trong vườn nho của Chúa, là mẹ của những đứa trẻ thiệt thòi và bị lãng quên nhất. Với ánh mắt dịu dàng và quan tâm, Mẹ có thể hướng dẫn chúng ta nhìn thấy những đứa trẻ vô hình, rất nhiều nô lệ của một thế giới mà chúng ta không thể bỏ mặc cho sự bất công của nó. Bởi vì hạnh phúc của người yếu nhất sẽ mang lại hòa bình cho tất cả mọi người. Và cùng với Mẹ Têrêsa, chúng ta hãy trao tiếng nói cho các trẻ em:

“Tôi xin một nơi an toàn, nơi tôi có thể chơi đùa.

Tôi xin một nụ cười của những người biết yêu thương.

Tôi xin quyền được làm một đứa trẻ, là niềm hy vọng của một thế giới tốt đẹp hơn.

Tôi xin được lớn lên như một con người.

Tôi có thể tin tưởng vào bạn không?” (Thánh Têrêsa Calcutta)

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Nguồn: Vatican News

 

 

Thông báo
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0338698531 (8h-24h)